Cạnh tranh nội bộ, nhiều cửa hàng nhượng quyền Mixue gặp khó

Hương Mi
Không ít cửa hàng nhượng quyền Mixue rơi vào thế khó khi các chính sách về giá thay đổi, đồng thời, các cửa hàng này "mọc lên" san sát nhau buộc họ phải cạnh tranh trong chính nội bộ.

Tại Việt Nam, Mixue thông báo hạ giá bán sản phẩm xuống 25% nhằm tăng thị phần nhưng giá nguyên liệu đầu vào chỉ giảm 10%. Nhiều cửa hàng mua nhượng quyền cũng gặp khó trước tình cảnh này.

Cạnh tranh nội bộ

Không khó để quan sát khi các cửa hàng nhượng quyền Mixue tại TP.HCM ngày càng nhiều và khoảng cách giữa các cửa hàng gần nhau. Dễ thấy, việc cạnh tranh nội bộ là một trong những rủi ro phải gặp ở hệ thống nhượng quyền này.

Theo ông Đỗ Duy Thanh - sáng lập kiêm Giám đốc Viet Franchise và Công ty Tư vấn F&B Director, rủi ro lớn nhất khi mua nhượng quyền thương hiệu F&B thường liên quan đến cạnh tranh nội bộ. Trong ngành này, vị trí cửa hàng rất quan trọng. Nếu có quá nhiều cửa hàng cùng thương hiệu hoạt động trong khu vực gần nhau sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt và giảm lợi nhuận của tất cả các cửa hàng.

mixue 3

Năm 2018, Mixue chính thức vào thị trường Việt Nam.

Để tránh rủi ro liên quan đến cạnh tranh nội bộ hệ thống, nhà đầu tư cần tiến hành một nghiên cứu thị trường chi tiết để đánh giá tiềm năng khu vực kinh doanh. Điều này bao gồm việc hiểu sâu hơn về người tiêu dùng, tình hình cạnh tranh và quy định địa phương.

"Nên nhớ các mô hình ki-ốt bán lẻ cũng cần bán kính độc quyền tối thiểu 500m nhưng an toàn là bán kính 750 - 1.000m, ngoại trừ các mô hình trong khu biệt lập", ông Thanh nói.

Cũng theo ông Thanh, chính sách giá của chủ thương hiệu (bên nhượng quyền) có thể ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các cửa hàng nhượng quyền (bên nhận quyền). Nếu chủ thương hiệu quyết định hạ giá bán nhưng không điều chỉnh giá nguyên liệu đầu vào hoặc có điều chỉnh nhưng không đáng kể, các cửa hàng nhượng quyền có thể gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận và sự cạnh tranh.

Theo ông Thanh, nhìn chung, kinh doanh chuỗi nhượng quyền có lợi ở tính nhận diện thương hiệu, nhiều cửa hàng thành công tại các khu vực khác nhau… Tuy nhiên, phần lớn nhà đầu tư vẫn tin vào quảng cáo thu hồi vốn nhanh, kiếm lời nhanh mà bỏ qua xem xét các yếu tố bất lợi.

Ở góc độ chuyên môn, ông Đỗ Duy Thanh cho rằng phần lớn các thương hiệu nhượng quyền đồ uống có quy mô vốn đầu tư từ 1,2 tỷ trở xuống chủ yếu “lấy công làm lời”, còn thực tế theo hạch toán tài chính chuyên nghiệp thì không nhiều.

"Chỉ số ít các cửa hàng ra đời đầu tiên lúc mà thương hiệu bơm ngân sách để thu hút khách hàng và tạo xu hướng là có lợi nhuận tốt nhất. Các cửa hàng vào hệ thống sau này sẽ kém hiệu quả về tài chính hơn. Rất nhiều cửa hàng nhượng quyền tận dụng mặt bằng sở hữu, chủ kiêm quản lý và nhân viên nhưng không tính vào quỹ lương nên cảm giác là có lời, vậy thôi", ông Thanh nói.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên đừng vì khái niệm kinh doanh ẩm thực đơn giản, dễ dàng, “một vốn bốn lời” hay quảng cáo có cánh thu hồi vốn nhanh, cam kết lợi nhuận… mà bỏ qua công tác quan trọng nhất là chuẩn bị kiến thức kinh doanh và quản lý chuyên nghiệp.

Dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh?

Với thương hiệu Mixue, bên nhượng quyền đã ra thông báo sẽ giảm giá nguyên vật liệu 10% nhưng bên nhận quyền buộc phải giảm giá bán đến 25%. Điều này làm biên lợi nhuận của bên nhận quyền thấp dễ dẫn đến thua lỗ. Nhiều ý kiến cho rằng thương hiệu Mixue có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Thanh Thảo - luật sư điều hành tại HT Partners Law&IP, việc buộc giảm giá bán từ bên nhượng quyền Mixue có thể xem xét dựa trên thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng nhượng quyền thương mại.

Từ đó, có 2 hành vi cần được xem xét đến là việc ấn định giá bán hàng hóa và bán hàng dưới giá thành có thể là hành vi cạnh tranh bị cấm. Tuy nhiên, không dễ để xác định việc ấn định giá bán của Mixue trong hợp đồng giữa các bên là một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, hay buộc bên nhận quyền bán giá thấp là một hành vi bán hàng dưới giá thành được quy định trong Luật Cạnh tranh 2018.

Tại khoản 1 Điều 11 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm là "Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp". Theo quy định tại Điều 12 của luật này thì thỏa thuận này phải thực hiện giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan.

Tuy nhiên, các thỏa thuận này phải được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, việc đánh giá xem thỏa thuận có phải là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hay không sẽ căn cứ vào một số yếu tố như: Mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận; rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; hạn chế nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc hạn chế năng lực công nghệ; giảm khả năng tiếp cận, nắm giữ cơ sở hạ tầng thiết yếu; tăng chi phí, thời gian của khách hàng trong việc mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hoặc khi chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ liên quan khác; gây cản trở cạnh tranh trên thị trường thông qua kiểm soát các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực liên quan đến các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận.

Theo đó, ông Thảo cho rằng xét các căn cứ để đánh giá nêu trên, liệu thỏa thuận giữa Mixue và bên nhận quyền có tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể không, e rằng chưa đủ cơ sở để xác định có thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.

Chưa kể thỏa thuận này phải là giữa các doanh nghiệp, trong khi bên nhận quyền tham gia thỏa thuận nhượng quyền có thể không phải là doanh nghiệp mà chỉ là các hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân để có thể xem xét đến.

Ngoài ra, giả sử có hành vi bán hàng hóa dưới giá thành, tại Khoản 6, Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định "Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó". Tuy nhiên, với quy định trên, trước tiên cần xác định giá hàng hóa là giá dưới giá thành và hành vi bán hàng dưới giá thành này phải dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa đó. Do vậy, hiện nay chưa thể xác định hành vi nói trên là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Võ Liên