Tại Hội thảo "Kỹ năng bảo hộ sáng chế và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học" do Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng với Tổ chức nghiên cứu Khoa học và công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) và Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia tham dự đã chia sẻ kinh nghiệm, cùng giải pháp để thương mại hóa sản phẩm từ nghiên cứu khoa học.
Ở góc độ là nhà khoa học khởi nghiệp, theo bà Nguyễn Thu Hồng – Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Cam Ranh (CARAFOODS) – chia sẻ tùy theo lựa chọn, nhà khoa học có thể nghiên cứu để viết bài báo khoa học hoặc thương mại hóa sản phẩm.
Theo bà Hồng, nghiên cứu nào cũng phục vụ cho định hướng của xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu không nhất thiết phải tạo ra sản phẩm thương mại, nếu tạo ra sản phẩm thương mại thì cũng cần đặt mục tiêu cao hơn là phụng sự cho xã hội. Để làm được như vậy, người nghiên cứu phải thay đổi tư duy. Bởi lẽ xã hội cần trí tuệ của nhà khoa học để có thể giải quyết nhiều vấn đề, làm sao để sản phẩm sống trên thị trường và phục vụ cho xã hội, không chỉ phục vụ cá nhân mà còn phụng sự cho cộng đồng.
Từ quá trình nghiên cứu, khởi nghiệp thành công với chả cá theo công nghệ Nhật Bản, theo kinh nghiệm của bà Hồng, các nhà đầu tư luôn cần chuyên gia đam mê với lĩnh vực đang hoạt động, cập nhật công nghệ cao, sản phẩm mới - những phẩm chất này tất cả nhà khoa học đều có. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa biết cách tận dụng những lợi thế vốn có, điều cần nhất là đổi mới tư duy, không bó hẹp bản thân trong khuôn khổ nhà khoa học, nên kết nối nhiều nơi để có thể giới thiệu được nghiên cứu của mình.
Theo PGS.TS. Phan Tiến Dũng – Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ - cho biết để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học gồm 9 bước, được chia ra làm 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn A sẽ xây dựng nền tảng thương mại hóa và khám phá thị trường. Giai đoạn B xác định giá trị mang lại cho thị trường và xây dựng chiến lược ra mắt. Giai đoạn C thực hiện và quản lý chiến lược. Mô hình này được biểu diễn dưới dạng mảnh ghép, mỗi mảnh ghép đóng một vai trò khác nhau. Tuy nhiên, mỗi mảnh ghép này không bắt buộc phải theo tuần tự.
Tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Anh Tùng – nhà sáng lập FoodMap Asia – nền tảng thương mại nông sản đầu tiên tại Việt Nam - cho biết điều mà các nhà đầu tư quan tâm là con người và sản phẩm. Trong đó, sự tâm huyết của đội ngũ, hiểu biết về ngành và kinh nghiệm trong lĩnh vực đang hoạt động đóng vai trò quan trọng. Mặc dù là kỹ sư theo học tại trường Đại học Bách Khoa – ĐHQG TP.HCM, ông Anh Tùng có 3 năm làm việc ở lĩnh vực nông nghiệp, điều này góp phần được nhà đầu tư đánh giá cao.
Theo ông Tùng, với mô hình và tầm nhìn của công ty, nhà đầu tư luôn đặt ra câu hỏi: "Liệu có mô hình nào thành công tương tự ở Việt Nam hay khu vực không? 5-10 năm tới doanh nghiệp sẽ tiến xa đến đâu?".
Doanh số, GPM (biên độ lợi nhuận gộp từ quá trình gia công), thị trường và công nghệ là các yếu tố ảnh hưởng đến việc định giá một công ty để kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, một công ty có doanh số lớn chưa chắc đã được định giá cao. Công ty có hàm lượng công nghệ cao sẽ được đánh giá cao. Bởi lẽ, khi có yếu tố công nghệ, việc quản lý sẽ nhanh hơn so với công ty truyền thống.
Nhà sáng lập FoodMap Asia cho biết FoodMap là công ty nông nghiệp nhưng hoạt động như một công ty công nghệ. Việc đầu tư vào công nghệ giúp hệ thống quản trị nội bộ, khách hàng và việc gọi vốn dễ thành công hơn. Khi công ty càng lớn thì càng phức tạp, vận hành là một trong những vấn đề cốt lõi.