Mô hình kinh doanh để khai thác thương mại hiệu quả và có thể nhượng quyền thông thường phải đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, có một số trường hợp chưa đăng ký bảo hộ nhưng vẫn chuyển nhượng, điều này dễ có những tranh chấp gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh lâu dài.
Chưa đăng ký bảo hộ có nhượng quyền được không?
Nhượng quyền thương hiệu (Franchise) hay còn gọi là nhượng quyền kinh doanh là hình thức hoạt động thương mại. Trong đó, bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được kinh doanh các loại hình sản phẩm, dịch vụ được tiến hành theo chiếc lược do bên nhượng quyền quy định. Hàng hóa sẽ được gắn với tên thương hiệu, nhãn hiệu, biểu tượng kinh doanh và quảng cáo của bên nhượng quyền.
Bên nhận quyền phải kí hợp đồng bản quyền với bên nhượng quyền. Hai bên sẽ ràng buộc nhau bởi các yếu tố như tài chính, quản lý, điều hành công việc,… dựa trên thỏa thuận chung.
Tại Việt Nam, mô hình nhượng quyền diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong ngành ẩm thực có những thương hiệu nhượng quyền lớn như: Highland Coffee, Ding Tea, Viva Star Coffee,... Thế nhưng, nhiều hộ kinh doanh, thậm chí là doanh nghiệp hiện chủ yếu nghĩ đến lợi nhuận mà ít quan tâm hoặc không biết đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ.
Gần đây, tranh cãi liên quan đến thương hiệu "Phở Thìn 13 Lò Đúc" giữa ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung - người tự nhận là "truyền nhân" của thương hiệu này - đang được dư luận quan tâm. Đặc biệt, nhãn hiệu "Phở Thìn" hiện không phải do ông Nguyễn Trọng Thìn hay Đoàn Hải Trung là chủ sở hữu mà nó thuộc về ông Bùi Chí Đạt – con trai ông Bùi Chí Thìn (Phở Thìn Bờ Hồ). Ông Bùi Chí Đạt đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu "Phở Thìn" vào tháng 3/2017 ở nhóm 43 - dịch vụ ăn uống. Thời gian bảo hộ đến tháng 12/2024 và có thể gia hạn tiếp sau khi hết thời gian bảo hộ.
Vậy "Phở Thìn 13 Lò Đúc" của ông Nguyễn Trọng Thìn chưa được bảo hộ sở hữu trí tuệ có thể nhượng quyền thương mại được hay không?
Theo Điều 284 Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại. Theo đó, bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền.
Thứ hai, bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Bên cạnh đó, theo Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ trong điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại, cụ thể đối với bên nhượng quyền, thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 1 năm; đã đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định; hàng hoá, dịch vụ kinh doanh thuộc đối tượng của quyền thương mại không vi phạm quy định.
Ông Nguyễn Trọng Thìn có thể nhượng quyền kinh doanh thương hiệu "Phở Thìn 13 Lò Đúc" theo Luật Thương mại 2005 nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên và chứng minh được mình là chủ của thương hiệu này.
Rủi ro lớn về pháp lý
Hiện nay trên thị trường có 4 mô hình kinh doanh nhượng quyền phổ biến là: Nhượng quyền mô hình kinh doanh toàn diện; nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện; nhượng quyền có tham gia quản lý và nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn.
Để nhượng quyền thành công cần phải xem xét nhiều yếu tố, nhưng về mặt pháp lý thì cần phải đảm bảo: Thương hiệu có đăng ký kinh doanh; đảm bảo đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; đã đăng ký sở hữu trí tuệ và được cấp văn bằng bảo hộ. Việc thiếu một trong 3 điều kiện trên dễ dẫn đến những rủi ro pháp lý không đáng có. Trong đó, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ là vấn đề quan trọng nhất khi nhượng quyền.
Từ thực tế tranh cãi liên quan đến thương hiệu "Phở Thìn" có thể thấy nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hiện nay không chú trọng đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ trước khi nhượng quyền. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ không kịp thời có thể dẫn đến hệ quả là thương hiệu đã bị đăng ký trước hoặc mới dừng lại ở việc nộp tờ khai cấp văn bằng bảo hộ.
Về bản chất khi chưa được cấp văn bằng (sau 18 - 24 tháng nộp hồ sơ), doanh nghiệp, cá nhân đó chưa được Nhà nước công nhận quyền sở hữu với nhãn hiệu này. Nếu chưa có quyền sở hữu thì không thể toàn quyền định đoạt hay sử dụng thương hiệu.
Trường hợp đăng ký sở hữu trí tuệ chậm còn có thể dẫn đến khả năng bị mất thương hiệu. Việt Nam theo hệ thống "first to file" (nộp trước được ưu tiên), vì vậy việc nộp hồ sơ đăng ký sau sẽ dẫn đến hệ quả doanh nghiệp không sở hữu nhãn hiệu dự định nhượng quyền mà buộc phải mua lại hoặc xây dựng một nhãn hiệu mới.
Điển hình, sau khi nhãn hiệu "Phở Thìn" được cấp cho gia đình ông Bùi Chí Thìn (Phở Thìn Bờ Hồ), đến hiện tại chưa có bất kỳ mẫu nhãn hiệu nào chứa dấu hiệu "Phở Thìn" (cụ thể là chữ viết) được cấp văn bằng bảo hộ, kể cả các nhóm sản phẩm, dịch vụ ngoài nhóm 43 (dịch vụ ăn uống). Thay vào đó, chỉ duy nhất một nhãn hiệu có logo in hình ông Nguyễn Trọng Thìn (không có chữ viết "Phở Thìn") là được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ vào tháng 1/2021. Chủ đơn là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Phở Thìn Hà Nội.
Hiện ông Nguyễn Trọng Thìn cũng đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc”. Tuy nhiên, đến giai đoạn thẩm định nội dung có thể bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ, vì nhãn hiệu của ông Nguyễn Trọng Thìn có dấu diệu “Phở Thìn” trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ của ông Bùi Chí Đạt.
Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định rõ, chủ sở hữu của nhãn hiệu có quyền yêu cầu chủ thể có hành vi xâm phạm nhãn hiệu chấm dứt hành vi xâm phạm, yêu cầu xử lý và đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến xâm phạm nhãn hiệu.
Điều 19.1 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP cũng quy định doanh nghiệp không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp được sự chấp thuận của chủ sở hữu tên thương mại, nhãn hiệu đó.
Như vậy, nếu đơn đăng ký nhãn hiệu của ông Nguyễn Trọng Thìn bị từ chối, thương hiệu “Phở Thìn 13 Lò Đúc” của ông có thể rơi vào trường hợp sử dụng nhãn hiệu của người khác đã được bảo hộ (cụ thể là nhãn hiệu “Phở Thìn” của ông Bùi Chí Đạt). Nếu ông Bùi Chí Đạt không cho phép ông Nguyễn Trọng Thìn sử dụng nhãn hiệu này, ông Nguyễn Trọng Thìn sẽ không thể nhượng quyền thương hiệu kinh doanh với bất kỳ bên nào và thậm chí phải làm mới lại thương hiệu của chính mình.
Trên truyền thông, ông Đoàn Hải Trung (sinh năm 2001) tự nhận mình là "truyền nhân" của Phở Thìn 13 Lò Đúc, có cơ hội theo ông Nguyễn Trọng Thìn từ năm 12 tuổi để học nghề và hiện là giám đốc điều hành của thương hiệu "Phở Thìn".
Theo Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung cùng là đại diện pháp luật của Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội có địa chỉ tại số 13, Lò Đúc (Hai Bà Trưng, Hà Nội), được thành lập ngày 13/1/2021. Ngoài ra, ông Đoàn Hải Trung còn là đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Tập đoàn VieThin – chủ sở hữu fanpage có tích xanh của thương hiệu "Phở Thìn 13 Lò Đúc".
Trước thông tin trên, ông Nguyễn Trọng Thìn khẳng định ông không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh vì "Phở Thìn" (Phở Thìn 13 Lò Đúc) chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ. Ông Nguyễn Trọng Thìn từng cho ông Đoàn Trung Hải sử dụng thương hiệu "Phở Thìn 13 Lò Đúc" để kinh doanh chi nhánh tại Hải Dương. Việc ông Trung nhượng quyền kinh doanh thương hiệu "Phở Thìn" tại Australia hay tại TP Thủ Đức (TP.HCM) đều không thông qua ông.