Hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp" được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong việc thực thi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các quy định hiện hành bộc lộ nhiều điểm bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

TS. Nguyễn Trí Ngọc chỉ ra những mặt hạn chế trong thực hiện Luật CLSP và Luật TCQC đối với ngành phân bón Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định: “Việc công bố hợp quy hiện mang tính hình thức, khi chỉ đánh giá tại một thời điểm mà không phản ánh toàn bộ quá trình sản xuất, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện công bố hợp quy cho từng lô hàng, gây tốn kém chi phí và kéo dài thời gian thông quan hàng hóa, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nước ta trên thị trường trong và ngoài nước”.
Trước những bất cập đó, các chuyên gia tại Hội thảo đã đưa ra nhiều đề xuất về việc cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi và ban hành quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo cập nhật kịp thời với thực tiễn sản xuất và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Điều chỉnh quy định kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu, giảm bớt thủ tục không cần thiết đối với sản phẩm đã có chứng nhận từ nước xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, loại bỏ sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các yêu cầu công bố hợp quy không cần thiết cũng được các chuyên gia nhấn mạnh để giảm chi phí cho doanh nghiệp và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.
Siết chặt kiểm soát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, áp dụng các chế tài mạnh hơn để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, cũng cho rằng việc công bố hợp quy đối với thuốc thú y xuất khẩu là không cần thiết. Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu thuốc thú y sang hơn 40 quốc gia nhưng không nước nào yêu cầu chứng nhận hợp quy từ Việt Nam. Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.
Ngoài ra, ông Trần Đại Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cho biết,
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, cũng cho rằng việc công bố hợp quy đối với thuốc thú y xuất khẩu là không cần thiết. Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu thuốc thú y sang hơn 40 quốc gia nhưng không nước nào yêu cầu chứng nhận hợp quy từ Việt Nam. Điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.
Ngoài ra, ông Trần Đại Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao), đã chia sẻ những khó khăn trong sản xuất phân bón supephosphat đơn do nguồn nguyên liệu đầu vào (quặng Apatít) ngày càng suy giảm về chất lượng.
Theo vị lãnh đạo của Supe Lâm Thao, tại thời điểm ban hành QCVN 01-189:2019/BNNPTNT, chất lượng quặng apatit cung cấp bởi Công ty Apatit Lào Cai ở mức 31-32% P2O5 và tổng các tạp chất ảnh hưởng đến chỉ tiêu P2O5 tan trong nước của sản phẩm (Al2O3 và Fe2O3) là 4÷5%. QCVN 01-189:2019/BNNPTNT quy định hàm lượng P2O5 tan trong nước trong Phân supephosphat đơn phải đạt 10%; P2O5 hh phải đạt 16%; Toàn bộ nguyên liệu quặng Apatit của Công ty Supe Lâm Thao đều mua từ Công ty Apatit Lào Cai.
Tuy nhiên, chất lượng quặng apatít của Công ty Apatit Lào Cai cung cấp đã suy giảm qua nhiều năm, cụ thể: năm 2022 chỉ đạt là 30,6% P2O5; năm 2023 là 30,4 % P2O5; quý I năm 2024 là 30,15 % P2O5; quý II năm 2024 là 29,65 % P2O5; quý III năm 2024 là 29,60 % P2O5; quý IV năm 2024 là 29,2 % P2O5; Quý I năm 2025 hàm lượng P2O5 chỉ đạt xấp xỉ 29%; và tổng tạp chất (Al2O3 và Fe2O3) cấp thời điểm tháng 7/2024 là 7,36%; tháng 8/2024 là 9,4% và tháng 9/2024 lên đến 9,5÷11,5%; Các nhà máy tuyển chủ yếu sử dụng quặng 3 nghèo ở các kho lưu (là quặng khó tuyển đổ lưu kho từ các giai đoạn trước đây), không có nguồn quặng 3 tại các khai trường mới để trung hòa đảm bảo tính khả tuyển, dẫn đến khó khăn trong công nghệ tuyển; quặng 3 kho lưu có thành phần các tạp chất cao, trong khi công nghệ tuyển nổi không có khả năng xử lý các tạp chất này.
Chất lượng nguyên liệu apatít đưa vào sản xuất suy giảm, tạp chất kim loại tăng cao làm cho hàm lượng P2O5 hh và P2O5 hoà tan trong nước thấp dưới quy chuẩn Việt Nam, hiện P2O5 hữu hiệu chỉ đạt 14,5÷15% và P2O5 hoà tan trong nước chỉ đạt 7,5÷8%. Do vậy, để sản xuất Phân supephosphat đơn đạt chất lượng theo QCVN 01-189:2019/BNNPTNT, Supe Lâm Thao phải bổ sung thêm chất dinh dưỡng chứa Lân và tăng chi phí điện năng, tăng nhân công rất cao làm giá thành sản xuất tăng lên gần 20% (khoảng 700÷900 ngàn đồng/tấn supephosphat đơn thương phẩm).
Trong tương lai, chất lượng quặng Apatit tiếp tục giảm sâu xuống đến 25÷28% P2O5 và tổng tạp chất (Al2O3 và Fe2O3) sẽ còn tăng do trữ lượng quặng I và III của Apatit Lào Cai đã gần cạn kiệt và chỉ còn quặng II và IV, làm cho P2O5hh và P2O5 hoà tan trong nước tiếp tục suy giảm. Nếu không thay đổi tiêu chuẩn chất lượng của Phân supephosphat đơn tại QCVN thì chi phí để sản xuất ra phân bón Supe supephosphat đơn sẽ càng tăng rất cao gây ảnh hưởng rất lớn đến nhà sản xuất và người tiêu thụ là Bà con nông dân.
Trước thực tiễn đó, Supe Lâm Thao kiến nghị sửa tiêu chuẩn chất lượng Phân superphosphat đơn trong 01-189:2019/BNNPTNT (Phụ lục 1 Bảng 2) như sau:
- Hàm lượng lân hữu hiệu (% khối lượng P2O5hh) ≥ 14.
- Hàm lượng lân tan trong nước (% khối lượng P2O5ht) ≥ 8.
- Mức sai lệch so với mức đăng ký được chấp nhận về chỉ tiêu chất lượng chính của hàm lượng lân tan trong nước (% khối lượng P2O5ht) ≥ 90%.
Cũng tại hội thảo, theo đại diện Công ty Cổ phần SOP Phú Mỹ thông tin, Việt Nam hiện có khoảng 790 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ và hữu cơ, với sản lượng hàng năm hơn 20 triệu tấn. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng phân bón trong nước chỉ khoảng 10,5 - 11 triệu tấn/năm, trong đó các loại phân bón chủ lực gồm: Ure: 1,6 - 1,8 triệu tấn, DAP: 0,9 - 1 triệu tấn, SA: 0,8 - 0,9 triệu tấn, Kali: 0,9 - 1 triệu tấn, Phân chứa lân: trên 1,2 triệu tấn, Phân NPK: khoảng 3,8 - 4 triệu tấn.
Đại diện SOP Phú Mỹ cho rằng, những con số này cho thấy ngành phân bón Việt Nam có dư địa lớn để phát triển xuất khẩu. Tuy nhiên, các quy định về kiểm định và công bố hợp quy đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế. Nếu không có sự thay đổi trong chính sách, ngành phân bón trong nước sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và bị tụt hậu so với các nước khác.
TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: “Nhà nước cần khảo sát ý kiến từ các Hiệp hội, doanh nghiệp để sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Luật Quy chuẩn kỹ thuật theo hướng thực tiễn và hiệu quả hơn”. Ông nhấn mạnh rằng, việc cải cách chính sách là cơ hội để nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.
Cần nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa nông nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Theo TS. Nguyễn Xuân Dương, “Đây là thời vận tốt, để Việt Nam có được thể chế pháp luật và chính sách phát triển tốt nhất, nâng tầm chất lượng, sức cạnh tranh của thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Cùng với đó, cơ quan chủ trì soạn thảo rất cần sự khách quan và tranh thủ rộng rãi ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học ở trong, ngoài nước, nhất là của các Hiệp hội ngành hàng”.

Quang cảnh Hội thảo
TS. Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký - Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, dự kiến, trong tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sửa đổi) và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật (sửa đổi). Đây được xem là cơ hội quan trọng để Việt Nam có một khung pháp lý hoàn thiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nông sản trên thị trường.
Việc sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là cần thiết để tháo gỡ các rào cản đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc thú y. Chính sách hợp lý không chỉ giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân. Với quyết tâm của Quốc hội và các cơ quan chức năng, hy vọng rằng những thay đổi trong thời gian tới sẽ mở ra cơ hội phát triển mới, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
TH