Việt Nam sẽ có thêm 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia

Hương Mi
Vào đầu tháng 7/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Sáng 7/6/2023, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ (KHCN). Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt là người trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Ở nhóm nội dung này, Quốc hội chất vấn tập trung vào các nội dung trọng tâm như chiến lược phát triển KHCN quốc gia; giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm KHCN tiên tiến vào cuộc sống; việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KHCN quốc gia; hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập; cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KHCN; việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển KHCN của doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) đã chất vấn về trách nhiệm của Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trong việc thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bởi sau khi có Nghị quyết 52 về vấn đề này của Bộ Chính trị, Chính phủ đã sớm có Nghị quyết 50, Quyết đinh 188 để điều chỉnh vấn đề này, nhưng đến nay nhiều nơi chưa thành lập được, trong đó có Đà Nẵng.

07-06-2023-thanh-lap-trung-tam-ho-tro-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-quoc-gia-tai-ha-noi-da-nang-tphcm-2E290625-details

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về sự chậm trễ, Bộ trưởng mong các ĐBQH chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng thông tin về việc, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này.

Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo; Từ đó làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia.

Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được ban hành, nên việc ban hành các quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là có cơ sở để thực hiện, và các cơ sở này sẽ sớm đi vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về vấn đề hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có. Vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành: Y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kém chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.