Vân Đồn - Quảng Ninh: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Hương Mi
Vân Đồn có 12 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã đảo. Thời gian qua, sự phát triển kinh tế - xã hội ở ven biển và trên vùng biển vịnh Bái Tử Long đã và đang trở thành một thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù quý hiếm.

Bởi vậy, cùng với việc phát triển triển kinh tế, công tác bảo vệ môi trường luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 9/4/2021, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc chuyển đổi vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) đảm bảo quy chuẩn về môi trường; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững NTTS; quyết liệt, quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi vật liệu nổi đảm bảo quy chuẩn về môi trường trong NTTS; lập, phê duyệt, triển khai Đề án nâng cao công tác quản lý bảo vệ môi trường vịnh Bái Tử Long đến năm 2025, định hướng đến 2030.

1

Các lực lượng ra quân làm sạch môi trường biển vào ngày 30/3/2024. Ảnh: Thanh Tùng (Trung tâmTT-VH Vân Đồn)

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên luôn phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý vào dự thảo đề án, dự án, chương trình về phát triển sản xuất, gắn với công tác bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường nước trong quá trình khai thác, NTTS, việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường... Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của mỗi người dân.

Bên cạnh đó, các phòng ban, đoàn thể và các xã, thị trấn tích cực triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường vịnh Bái Tử Long; tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; chuyển đổi vật liệu nổi trong NTTS đảm bảo quy chuẩn về môi trường; tham gia thu gom phao xốp, rác thải trên biển, ven bờ… Nhờ đó đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng phao xốp sang phao nhựa HDPE đảm bảo quy chuẩn về môi trường; xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch giao mặt nước NTTS nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng mặt nước NTTS.

2

Xã đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn) lắp đặt các pano, áp phích chủ đề “Nói không với đồ nhựa dùng một lần” tại các địa điểm du lịch. Ảnh: Nguyễn Thơm

Đặc biệt, cuối tháng 4/2024, Vân Đồn đã khởi động chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại 5 xã đảo trên địa bàn nhằm ngăn chặn rác thải nhựa ngay từ trên bờ, không để rác theo người dân, du khách ra đảo. Địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng, đơn vị quản lý cảng tàu khách quốc tế Ao Tiên, cảng Cái Rồng và 5 xã đảo khẩn trương lắp đặt đồng bộ các pano, áp phích với chủ đề “Không mang rác thải nhựa ra đảo” để tuyên truyền tới người dân, du khách. Cùng với đó, huyện vận động du khách để lại rác thải nhựa (chai lọ, cốc, túi nilon) ngay từ các cảng.

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Xác định hạn chế rác thải nhựa dùng một lần ngay từ nguồn phát thải, huyện thực hiện khuyến cáo đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ cũng như người dân cùng chung tay thực hiện và tiến tới ký cam kết; có giám sát trong quá trình thực hiện, đảm bảo kiểm soát nguồn phát thải, hướng đến du lịch bền vững, không rác thải nhựa.

Vân Đồn là nơi nuôi trồng và khai thác, chế biến lượng lớn thủy sản của tỉnh. Đi kèm với những thuận lợi, cơ hội phát triển, luôn đặt ra những thách thức trong việc xử lý rác thải, nước thải từ hoạt động sản xuất, chế biến thủy sản. Theo thống kê của huyện, mỗi tháng, trên địa bàn huyện có khoảng 800-900 tấn vỏ hàu sau khi tách ruột để đóng gói, chế biến, cần phải xử lý. Huyện đã hướng dẫn người dân tận dụng vỏ hàu đề tái chế nuôi trồng thủy sản, làm phân bón… Đến nay, khoảng 40% lượng vỏ hàu được tái chế thành vật bám, tiếp tục được thả xuống biển để phục vụ cho sản xuất giống hàu; 50% được thu gom tái chế thành phân bón và thức ăn chăn nuôi; 10% còn lại là rác thải được xử lý theo quy trình xử lý chất thải rắn.

3

Việc chuyển đổi sử dụng phao xốp sang phao nhựa HDPE đảm bảo quy chuẩn về môi trường ở Vân Đồn giúp môi trường biển của huyện phong quang, sạch sẽ. Ảnh: Hải Hà

Cùng với đó, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng, đảm bảo yêu cầu về BVMT. Theo thống kê, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện khoảng trên 1.000 tấn/tháng; trong đó khoảng 96,6% được thu gom, xử lý tập trung, 3,4% được chôn lấp. 100% rác tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý tập trung; ở khu vực nông thôn là 95,6%. Người dân ở thị trấn và các xã tích cực tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác ở bãi biển…

Huyện còn chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch rà soát, kiểm tra để thay thế kịp thời các trang thiết bị đã xuống cấp; bố trí đầy đủ các thiết bị chứa, thu gom rác thải phát sinh từ hoạt động tắm biển, du lịch. Các chương trình "Hãy làm sạch biển" được tổ chức thường xuyên, góp phần làm thay đổi nhận thức và hành động của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân trong công tác BVMT biển.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng hướng đi đúng đắn, sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, Vân Đồn sẽ thực hiện thành công mục tiêu trở thành đô thị biển đảo xanh, trung tâm du lịch biển đảo với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, góp phần vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Thu Nguyệt