Thương mại hóa và chuyển giao công nghệ trong trường đại học hướng đến phát triển đại học khởi nghiệp

Hương Mi
Sáng ngày 21/4, tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo "Thương mại hóa và chuyển giao công nghệ trong trường đại học hướng đến phát triển đại học khởi nghiệp" do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM cùng Công ty CP Tập Đoàn Green+ tổ chức.

Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại TP.HCM và hưởng ứng chuỗi sự kiện Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4).

Ong Phan Van Mai

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng trường đại học đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và sinh viên phải được chuẩn bị về tâm thế, năng lực, kỹ năng và các điều kiện để hỗ trợ khởi nghiệp ngay khi học đại học và kết thúc học đại học. Vì vậy, các trường đại học ở TP.HCM phải có cách tiếp cận, nghiên cứu và triển khai để trường trở thành thành tố tích cực trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ở góc độ UBND TP.HCM, ông Mãi khuyến khích và sẽ có sự tập trung để đồng hành, hỗ trợ Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cũng như các trường đại học khác trong hoạt động khởi nghiệp.

Cần nhiều mảnh ghép để thương mại hóa thành công

Ông Phạm Tuấn Hiệp – Giám đốc quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo – BK Funk nhấn mạnh để triển khai thành công mô hình thương mại hóa, chuyển giao hay khởi nghiệp tại trường đại học thì tư duy của người lãnh đạo là quan trọng, nhà trường có muốn làm hay không và muốn làm ở mức độ nào?

Tại hại hội thảo, ông Hiệp cũng chia sẻ quá trình hình thành các công ty khởi nghiệp của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

"Từ kết quả tạo ra nội dung mới về công nghệ, chúng tôi lựa chọn một phần trong đó để đưa vào hoạt động kiểm định, liệu kết quả nghiên cứu đó có người dùng hay không? Người dùng có trả tiền cho nó hay không? Khi một phần trong những kết quả của quá trình thương mại hóa được người dùng chấp nhận và có khả năng mua lặp đi lặp lại thì lúc này mới tạo nên công ty khởi nghiệp (startup), công ty khởi nguồn công nghệ (spin-off)", ông Hiệp nói.

thay do xuan hong

TS. Đỗ Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM.

Theo TS. Đỗ Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM - cho rằng để làm được bất cứ công việc nào, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực thương mại hóa chúng ta cần nhiều mảnh ghép chứ không thể nào dựa trên mảnh ghép duy nhất là Trường Đại học Nông lâm TP.HCM. Tuy nhiên, nội lực của nhà trường là điều cần quan trọng.

Theo TS Hồng, trong quá trình thúc đẩy thêm những cán bộ giảng viên có khao khát khởi nghiệp, thì một trong những điểm quan trọng đối với các trường đại học là việc hoàn thiện quy chế về quyền lợi và chia sẻ lợi ích trong nghiên cứu chuyển giao và thương mại hóa. Từ năm 2021 đến nay, Trường Đại học Nông Lâm đã bắt đầu chỉnh lý, biên soạn lại cả quy chế này để tạo nền tảng phát triển trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bộ phận chuyên trách phải nâng cao năng lực để theo kịp với nhu cầu mới của thị trường, nếu muốn làm việc với doanh nghiệp thì bộ phận chuyên trách phải có năng lực đối sánh được với doanh nghiệp.

Cần xác định "Khởi nghiệp trong mong muốn thực chất là gì?"

Tại hội thảo, nhiều sinh viên cũng nêu lên những khó khăn và thách thức trong quá trình khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi khởi nghiệp tại trường đại học.

Ở góc độ sinh viên, Võ Thị Như Bích – Sinh viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM – cho rằng hiện nay các cuộc thi khởi nghiệp nối tiếp nhau ra đời nhưng thực tế ít dự án trở thành một startup để đưa sản phẩm ra thị trường dù các cuộc thi đòi hỏi ngoài việc sinh viên có ý tưởng kinh doanh, phải có thêm sản phẩm khởi nghiệp.

Sinh vien Vo Thi Nhu Bich

Võ Thị Như Bích - Sinh viên Trường Đại học Nông Lâm nêu lên những khó khăn của sinh viên khi khởi nghiệp.

Theo Như Bích tâm lý chung của sinh viên đều mong muốn làm chủ bản thân, kinh tế và thời gian, nhưng sinh viên còn mơ hồ khi bắt tay thực hiện dự án của riêng mình và cảm thấy hoạt động khởi nghiệp xa vời khó thực hiện. Bên cạnh đó, nếu sinh viên có ý tưởng, có sản phẩm thì cần thêm bệ phóng là nhà đầu tư.

Như Bích cũng đặt ra câu hỏi: "Với những sinh viên muốn khởi nghiệp thì sẽ có những hỗ trợ như thế nào trong thời gian đến?"

Lý giải điều trên, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM - cho rằng cần xác định rõ là khởi nghiệp trong sinh viên là gì? Khởi nghiệp trong mong muốn thực chất là gì?

Theo bà Trúc có rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp ở trường đại học, mặc dù biết 99% sinh viên có thể thất bại nhưng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vẫn hỗ trợ vì Sở không yêu cầu khởi nghiệp trong sinh viên phải ra được startup, bởi đó là điều vô cùng khó. Khi tham gia học ở trường đại học, điều đầu tiên mà sinh viên cần ưu tiên là dung nạp kiến thức, học tập những kiến thức chuyên môn, điều này vô cùng quan trọng.

Cuộc thi khởi nghiệp đem tới cho sinh viên nhiều cơ hội, bản chất chính sách là hỗ trợ cho đối tượng sinh viên khi mà gần như sinh viên không có kỹ năng, kiến thức, khả năng va chạm với thị trường về khởi nghiệp.

Bà Trúc chia sẻ rằng, thông thường cuộc thi khởi nghiệp có 100 dự án, sau đó chọn 50 dự án và phải huấn luyện kiến thức cơ bản về khởi nghiệp. Từ 50 dự án đó tiếp tục chọn ra 10-20 dự án nhằm giúp sinh viên qua quá trình đào tạo sẽ phát triển ý tưởng ở mức độ nhất định. Chính từ 10-20 dự án này sẽ được ươm tạo với mức độ sâu hơn, cần chuyên gia từ doanh nghiệp. Lúc này, sinh viên sẽ được gặp gỡ các chuyên gia về chuyên môn, thị trường, tài chính, đây là cơ hội tiếp cận với những yếu tố mang tính chất kinh doanh trong quá trình phát triển ý tưởng.

Chính xác là Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức cuộc thi, hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia, ít nhất khi sinh viên ra khỏi cuộc thi hoặc chương trình ươm tạo phải có sản phẩm. Lúc này, Sở hỗ trợ các sinh viên vào cơ sở ươm tạo là để bắt đầu học cách xây dựng mô hình kinh doanh.

"Suy cho cùng sản phẩm dù tốt đến đâu nếu không bán được cũng là số không mà thôi" bà Trúc nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đưa ra một số gợi ý cho Trường Đại học Nông lâm TP.HCM có thể tham gia khởi nghiệp về biến đổi khí hậu, thứ hai phải chuyển đổi nông nghiệp làm sao vừa đáp ứng nhu cầu phát triển nhưng vừa bảo vệ tài nguyên cho phát triển bền vững.

"Ví dụ như chương trình 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL, tôi cho rằng đây là những chủ đề, những không gian mà chúng ta có thể phát triển hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hay những thách thức biến đổi khí hậu đối với TP.HCM, đối với ĐBSCL và các vấn đề bảo vệ phát huy đa dạng sinh học", ông Mãi nói.