Thị trường Việt Nam và những tín hiệu tích cực cho năm 2023

Hương Mi
Dù dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2023 nhưng các chuyên gia đánh giá vẫn đánh giá ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.

Chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2022 và những động lực cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương từng cho biết: Kết thúc năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu rõ nét, thể hiện sự khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch COVID-19 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Một số điểm sáng trong bức tranh kinh tế – xã hội năm 2022 như: hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh ở cả ba khu vực kinh tế. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2022.

Dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023, các chuyên gia đều cho biết Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức, sức ép hơn nhưng nhiều chuyến gia lạc quan cho rằng nếu Việt Nam tận dụng được nhiều “cơn gió xuôi”, sẽ nối dài động lực tăng trưởng của Việt Nam.

viet nam

Liên quan đến vấn đề này, ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, một loạt các luật sẽ được Quốc hội luận bàn như sửa đổi luật đất đai, luật nhà ở, luật kinh doanh bất động sản, luật tổ chức tín dụng...

Tác động của các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... sẽ thiết lập một nền tảng quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi, mang lại cơ hội cho họ tăng cường chuỗi giá trị.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng lạc quan nhận định, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội. Kết quả khảo sát 15.000 nhà bán lẻ trên nền tảng quản lý và bán hàng Sapo cũng cho thấy, 74,5% kỳ vọng thị trường năm 2023 sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng; hơn 36% dự định mở rộng quy mô kinh doanh; hơn 29% dự định đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh…

Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho hay, dự thảo đề án tái cơ cấu ngành Công Thương từ nay đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tái cơ cấu thị trường trong nước theo hướng phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử... sẽ được khuyến khích, ưu tiên phát triển. Giá trị tăng thêm của thương mại trong nước tăng bình quân khoảng 9-9,5%/năm. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối chuyển dịch sang các loại hình phân phối hiện đại, ưu tiên vùng nông thôn, miền núi; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng nhằm bảo đảm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa và nguồn gốc sản phẩm; quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trong nước bằng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với thông lệ quốc tế...

Theo Sở hữu trí tuệ