Bánh Trung thu không chỉ là điểm nhấn cho cả mâm cỗ mà nó còn được dùng để làm món quà biếu tặng gửi người thân và bạn bè. Bên cạnh những loại bánh nướng, bánh dẻo truyền thông, mùa trung thu năm nay đang nổi lên rất nhiều loại bánh độc đáo, với nhiều mẫu mã, màu sắc.
Trong số đó, bánh trung thu mochi ruốc mặn đang gây “sốt xình xịch” trên khắp các chợ mạng và được nhiều người tìm mua. Mẫu bánh này có nguồn gốc từ Trung Quốc, được các tiểu thương xách tay nhập về bán trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok…
Ngoài dòng bánh trên, bánh trung thu được làm thủ công trang trí họa tiết 3D cũng đang được nhiều người quan tâm. Đặc điểm chung là bánh có tạo hình và màu sắc độc đáo, đẹp mắt với những thiết kế tinh xảo như đầu lân, hoa sen, hoa mẫu đơn… giống như những tác phẩm nghệ thuật, khách có thể mua về ăn hoặc trưng bày, đem biếu tặng.
Một số loại bánh Trung thu độc đáo khác xuất hiện như bánh Trung thu ngàn lớp. Chiếc bánh được thiết kế tỉ mỉ với nhiều lớp bột cùng những màu sắc khác nhau, người mua đã tự đặt tên cho nó với những tên gọi khác nhau “bánh ngàn lớp”, “bánh tròn sắc màu” hay “bánh cầu vồng”.
Trên thị trường bánh trung thu năm nay còn xuất hiện nhiều kiểu bánh hình hoa lá, con giống với nhiều loại nhân hiện đại như việt quất, dâu tây, xoài dẻo, cà phê sữa dừa, caramen, dưa lưới, cam vàng... Trong đó, nhiều người bán hàng còn quảng cáo thêm dòng bánh “healthy” với độ ngọt ít, phù hợp cho người bệnh tiểu đường hay béo phì... Tuy nhiên, khi xem sản phẩm thực tế, những chiếc bánh được đóng trong túi ni lông hay hộp giấy nhiều hoa văn, màu sắc nhưng không hề có nhãn mác hàng hóa, tên nơi sản xuất và số giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Chính vì sự đa dạng mẫu mã các sản phẩm bánh trung thu trên thị trường mà nhiều đối tượng đã lợi dụng để cung cấp nguồn hàng kém chất lượng, chưa được kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vì vậy theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong, các cơ quan truyền thông cần tăng cường thông tin cảnh báo về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, về đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia...
Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu... cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần bảo quản và sử dụng bánh trung thu theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm. Chú ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có). Bánh trung thu mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ vì chúng có nguy cơ gây ngộ độc.
Thông thường, người tiêu dùng khi mua sản phẩm bánh thường quan tâm nhất đến chỉ tiêu cảm quan của sản phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi được sử dụng sản phẩm có chất lượng và an toàn thực phẩm, nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng đảm bảo thể hiện qua việc có thương hiệu, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu dinh dưỡng, chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm ghi trên nhãn theo quy định…