Hiện tại, không chỉ tràn lan trên mạng mà nhiều loại bánh trung thu không nhãn mác, không nhãn phụ tiếng Việt… còn được bày bán công khai tại các khu chợ truyền thống, vỉa hè với mức giá rẻ bất ngờ. Khi cầm những chiếc bánh trung thu này trên tay, người tiêu dùng khó mà tìm được hạn sử dụng, thành phần, nguyên liệu làm bánh. Mặc dù vậy, người bán hàng vẫn niềm nở và khẳng định chắc nịch "đây là bánh handmade, đảm bảo an toàn".
Loại bánh này được sản xuất bởi những cơ sở nhỏ, lẻ hoặc do cá nhân tự làm rồi đăng bán trên mạng xã hội mà không chịu sự quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. Không đăng ký kinh doanh, không giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nhưng bánh hanmade vẫn được người tiêu dùng lựa chọn bởi tin vào những lời quảng cáo và mối quan hệ với người bán.
Thực chất, có người bán cũng không hề biết nguồn gốc, xuất xứ của chiếc bánh trung thu mình bán và cũng tin tưởng những mối quen biết khác.
Như vậy, những sản phẩm bánh trung thu này liệu sẽ đảm bảo được chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hay không? Bởi vì, bên cạnh những người buôn bán có tâm, vẫn còn một số người chạy theo lợi nhuận, mua nguyên liệu rẻ tiền, không rõ xuất xứ, chất lượng, thậm chí có nguy cơ cao nhiễm các vi sinh vật gây bệnh về sản xuất.
Trao đổi với một chuyên gia về thực phẩm, vị này cho biết, bánh trung thu trong quá trình sản xuất cần phải đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện vệ sinh thực phẩm từ nhà xưởng, nguyên liệu sản xuất; người sản xuất phải được khám sức khỏe; bánh phải đảm bảo tốt các yêu cầu bảo quản trong quá trình vận chuyển… Do đó, bánh trung thu sản xuất thủ công theo kiểu mùa vụ với quy mô nhỏ, vận chuyển đi xa thì khó mà đảm bảo được các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.
TS Phan Thế Đồng - Bộ môn Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng Trường đại học Hoa Sen cũng từng cảnh báo, bánh trung thu nói riêng, bánh kẹo nhập lậu nói chung thường không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe cho người sử dụng. Nhà sản xuất có thể dùng phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng… để có được giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng.
Hơn nữa, nếu trên sản phẩm không công khai về thành phần sử dụng, sẽ rất nguy hiểm cho những người có cơ địa dị ứng, nhất là trẻ nhỏ. Chẳng hạn, nếu trong sản phẩm có dùng chất tạo màu là Brilliant blue hay allura red, có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi… Đã có không ít trường hợp trẻ ăn bánh kẹo bị dị ứng, ngộ độc nhưng cha mẹ lại không rõ nguyên nhân từ đâu. Do đó, người tiêu dùng cần cân nhắc khi lựa chọn các loại bánh giá rẻ này.
Có thể thấy, trên thị trường hiện đã có đủ loại bánh nướng, bánh dẻo "thượng vàng hạ cám", do đó người tiêu dùng cần thận trọng khi mua sản phẩm bánh trung thu cho gia đình. Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người tiêu dùng chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi, có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Không mua, không sử dụng bánh Trung thu không nhãn mác khi không biết rõ nguồn gốc sản phẩm.
Ngoài ra, bánh Trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên dùng mắt thường để quan sát kỹ, kiểm tra tình trạng sản phẩm trước khi mua kể cả còn thời hạn sử dụng. Đối với bánh nướng, người dùng nên chọn bánh có độ bóng vừa phải, khi ấn vào thấy có độ mềm và đàn hồi nhẹ là bánh ngon. Tránh chọn bánh quá bóng vì đó là biểu hiện bánh để đã lâu. Với bánh dẻo nên chọn bánh hơi có phủ bột nhẹ trên mặt bánh, khi ấn vào bánh cảm thấy vỏ mềm nhưng không dính, nhão.