Ngày 17/4, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm, quận Hoàng Mai.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Huệ, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) phản ánh, hiện nay tình hình tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại ngày càng nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và tài sản của nhân dân. Cử tri đề nghị Trung ương, thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng truy tìm nguồn tiết lộ thông tin cá nhân của công dân, xử lý nghiêm việc mua bán dữ liệu cá nhân; đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội, qua điện thoại… để bảo vệ tài sản cho người dân.
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động chỉ đạo, đấu tranh đối với tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Bà Bùi Thị Minh Hoài đề nghị người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền, giáo dục người thân trong gia đình về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của loại tội phạm nêu trên; đặc biệt, khi người dân bị lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để ngăn ngừa tội phạm.

Trả lời về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng đang có những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Các đối tượng không chỉ sử dụng các thủ đoạn tinh vi, đa dạng, mà còn lợi dụng yếu tố địa lý - thường xuyên điều hành hoạt động lừa đảo từ nước ngoài - để né tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng trong nước. Đây là thách thức lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm mới, nguy hiểm và khó kiểm soát này.
Trước tình hình đó, Công an thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và lực lượng chức năng các địa phương, tập trung đấu tranh quyết liệt, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây lừa đảo công nghệ cao. Riêng trong năm 2024, Công an Hà Nội đã phát hiện, điều tra và xử lý trên 950 vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao, trong đó có gần 500 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, với tổng thiệt hại ước tính hơn 850 tỷ đồng. Nhiều chuyên án lớn đã được phá thành công, bóc gỡ các tổ chức tội phạm sử dụng hình thức mạo danh cơ quan công an, viện kiểm sát, ngân hàng, hay tuyển cộng tác viên online để lừa đảo người dân, trong đó có những vụ việc các đối tượng cầm đầu điều hành từ nước ngoài như Campuchia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc)...
Song song với công tác điều tra, Công an thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới xuất hiện. Hàng chục chiến dịch tuyên truyền được tổ chức trên nền tảng mạng xã hội, hệ thống truyền thanh cơ sở, thông qua các buổi tuyên truyền trực tiếp tại khu dân cư, trường học, cơ quan, doanh nghiệp... đã góp phần nâng cao ý thức cảnh giác của người dân. Thông điệp “Không quen biết, không gặp mặt, không chuyển tiền” trở thành “kim chỉ nam” giúp người dân nhận diện và phòng tránh các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng. Đặc biệt, các đơn vị công an cơ sở còn tích cực hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng cảnh báo an ninh, xác thực định danh điện tử, và tư vấn trực tiếp khi phát hiện nghi vấn lừa đảo.
Đây là bước đi toàn diện và hiệu quả, thể hiện quyết tâm cao của lực lượng công an Thủ đô trong việc xây dựng "lá chắn phòng ngừa" vững chắc từ gốc - chính là nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng vệ cá nhân cho người dân - nhằm từng bước đẩy lùi loại tội phạm tinh vi và nguy hiểm này, góp phần giữ vững an ninh trật tự trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng.
TH