Tài sản sở hữu trí tuệ thúc đẩy gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa

Hương Mi
Tài sản sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giá trị kinh tế bền vững. Việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp khai thác tối đa giá trị sản phẩm sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giao thương, mở rộng thị trường và gia tăng lợi nhuận.
tstt

Hình ảnh chú sói Wolfoo được thương mại hóa thành nhiều sản phẩm đa dạng

“Con gà đẻ trứng vàng”

Hiện nay, thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ đang trở thành động lực kinh tế chính trên toàn cầu và tạo ra doanh thu khổng lồ chỉ từ những tài sản như bản quyền, bằng sáng chế, và thương hiệu. Theo báo cáo năm 2022 của Licensing Global, doanh thu ngành Licensing toàn cầu ghi nhận 22 tỷ USD và doanh số bán lẻ toàn cầu của hàng hóa giải trí và cấp quyền nhân vật (character licensing) tạo ra hơn 300 tỷ USD.

Nhận ra tiềm năng to lớn của tài sản trí tuệ, từ năm 2020 tới nay, việc cấp quyền sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ (Licensing) trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh của nhiều công ty, với việc tạo ra doanh thu từ việc cấp phép sản xuất và bán hàng hóa mang thương hiệu hoặc hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, các nhãn hàng ngày càng quan tâm hơn tới việc khai thác hình ảnh nhân vật hoạt hình và lĩnh vực này đang có những bước tiến tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã nhận ra giá trị của việc bảo vệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ và tạo ra nguồn doanh thu lớn từ cấp phép hoặc sử dụng bản quyền, thương hiệu. Điển hình như Sconnect Việt Nam là một trong những công ty tiên phong trong việc phát triển bản quyền nhân vật, hay Canifa và Bibica đã ứng dụng việc sử dụng các nhân vật vào sản phẩm của mình.

Tại tọa đàm “Xu hướng thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ” mới tổ chức gần đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Thắng - Giám đốc Bản quyền của WOA Universal cho biết: “Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam đã có những chuyển dịch đáng kể đến hành vi, trải nghiệm người dùng, cũng như ngân sách tiêu dùng. Nhiều ngành nghề đã suy thoái, tuy nhiên, ngành character licensing lại có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này cho thấy một tín hiệu rất tích cực cho thị trường này tại Việt Nam”.

tstt1

Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm “Xu hướng thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ”

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ các gia đình trẻ và gia đình có trẻ em cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 15 - 60 chiếm khoảng 64%, tạo ra một tệp khách hàng tiềm năng lớn cho các nhãn hàng khai thác. Đây là cơ hội để đầu tư và làm phong phú thêm trải nghiệm của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em, rất dễ bị thu hút bởi các nhân vật nổi tiếng và hình tượng yêu thích. Đây chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ, thậm chí của cả các bậc phụ huynh khi lựa chọn sản phẩm cho con em mình. Vì thế, có thể nhận thấy rằng việc sử dụng các nhân vật trong truyền thông và bán hàng giúp các doanh nghiệp cạnh tranh trong cùng phân khúc và mang lại lợi thế lớn trong việc tiếp cận người tiêu dùng.

Ông Thắng cho biết, không chỉ trong lĩnh vực thời trang như Canifa hay ngành bánh kẹo như Bibica đã ứng dụng thành công, WOA Universal hiện đã hợp tác với gần 10 doanh nghiệp khác thuộc nhiều ngành nghề. Các ngành này bao gồm mặt hàng tiêu dùng nhanh, sản phẩm giáo dục như sách, truyện tranh, và đồ chơi mang tính định hướng giúp hoàn thiện kỹ năng cho trẻ, dự báo sẽ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.

Mối quan hệ “4 win” trong kinh doanh

Chia sẻ kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp, bà Hoàng Oanh - Đại diện nhãn hàng Zoo, Công ty cổ phần Bibica cho biết: Thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ không còn là mối quan hệ “win - win” đôi bên cùng có lợi mà là mối quan hệ “4 win”. Đầu tiên là lợi ích dành cho Bibica. Bibica có thêm một câu chuyện để kể, một lý do để khách hàng chọn mua sản phẩm và một nguyên liệu truyền thông mới giúp phát triển kinh doanh mạnh mẽ hơn.

tstt2

Ông Nguyễn Đức Thắng - Giám đốc Bản quyền của WOA Universal chia sẻ tại tọa đàm

Thứ hai là lợi ích của Sconnect. Các nhân vật hoạt hình, thay vì chỉ sống trong thế giới online hoặc xuất hiện ở một số khu vui chơi, nay sẽ có cơ hội tiếp cận trực tiếp đến từng nhà và từng đại lý thông qua hệ thống phân phối của Bibica, có mặt tại tất cả các siêu thị.

Thứ ba là lợi ích cho người tiêu dùng. Khi Bibica hợp tác với Sconnect sẽ tạo ra những sản phẩm đến từ những đơn vị uy tín, đảm bảo chất lượng. Điều này giúp người tiêu dùng tránh được việc mua phải các sản phẩm nhái tràn lan, không rõ nguồn gốc, mang đến sự yên tâm cho các bậc phụ huynh.

Cuối cùng, lợi ích thứ tư là dành cho các đại lý, siêu thị, và các điểm bán hàng trên khắp cả nước. Không chỉ ở Hà Nội, Sài Gòn hay các thành phố lớn, mà còn ở tất cả các địa phương, các đơn vị sẽ có thêm một sản phẩm hấp dẫn để trưng bày, thu hút người tiêu dùng đến mua hàng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Thắng chia sẻ thêm: Khi các doanh nghiệp ứng dụng hình ảnh nhân vật vào sản phẩm, doanh nghiệp có thể sáng tạo mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào về mặt hình thức hay thể hiện. Việc sử dụng các nhân vật cũng mang lại cho doanh nghiệp một giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng vẫn mang lại tối đa hiệu quả quảng cáo và có thể vượt mức mong đợi. Tính tương tác của nhân vật hoạt hình còn giúp xóa bỏ rào cản tâm lý của người xem đối với một sản phẩm quảng cáo bởi nhân vật hoạt hình thường gần gũi và tạo cảm giác giải trí. Một lợi thế quan trọng nữa là việc sử dụng nhân vật hoạt hình giúp các nhãn hàng tránh được rủi ro liên quan đến các scandal hay vấn đề tiêu cực mà đôi khi xảy ra khi hợp tác với các KOL hoặc KOC.

tstt3

Thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ còn đem lại lợi ích cho các đại lý bán hàng khi có thêm đa dạng mẫu mã sản phẩm để bán

Những rủi ro về pháp lý

Mặc dù thương mại hóa sản phẩm sở hữu trí tuệ mang lại nhiều lợi ích nhưng lĩnh vực này cũng có một số rủi ro tiềm tàng bởi đây là một hoạt động quảng bá mới tại Việt Nam. Theo Luật sư Lê Quang Vinh - Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ BROSS & Cộng sự, ngành thương mại tại Việt Nam vẫn tồn tại nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh pháp lý chưa hoàn thiện. Quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là một tập hợp các quyền mà pháp luật bảo hộ thông qua những tiêu chuẩn khác nhau, trong đó nhiều loại quyền sở hữu trí tuệ chỉ được xác lập trên cơ sở đăng ký. Điều này đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký và bảo vệ quyền lợi của mình. Thêm vào đó, việc điều hướng các hàng hóa sản phẩm liên quan đến vũ trụ ảo cũng là một yếu tố quan trọng để tránh rủi ro và đảm bảo sự phát triển bền vững trong lĩnh vực này".

Theo Luật sư Lê Quang Vinh, để thúc đẩy thương mại hóa tài sản sở hữu trí tuệ cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Đó là tìm cách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng quyền sở hữu trí tuệ đã hết hạn, đặc biệt là kho sáng chế hết hạn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đầu tư và nghiên cứu phát triển tạo sự khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ, chẳng hạn như tạo ra giải pháp kỹ thuật mới, đặc tính mới.

Mỗi quốc gia lại có hệ thống pháp luật riêng để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, việc không hiểu rõ quy định này có thể dẫn đến việc mất quyền lợi. Do đó, doanh nghiệp cần phải nắm rõ hệ thống pháp luật quốc tế và địa phương liên quan đến việc bảo hộ tài sản trí tuệ, cũng như các quy chế thuế cho từng đối tượng cụ thể.

Ngoài ra, Việt Nam cần tổng kết thực tiễn và tiếp tục sửa đổi nhiều luật khác nhau, đặc biệt là Bộ Luật dân sự, Bộ Luật tố tụng dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó cần nâng mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bởi mức 500 triệu VNĐ hiện nay là quá thấp, không đủ tính răn đe. Đồng thời, cần sớm lập và vận hành tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ có năng lực giải quyết nhanh chóng chính xác các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.