Sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Hương Mi
Là tỉnh có lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, những năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng công tác quản lý, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững đất đai, tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được nâng cao về chất lượng. Tỉnh đã hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cấp huyện đối với 13/13 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 tỉnh theo chỉ tiêu phân bổ của trung ương. UBND tỉnh thường xuyên phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương; kịp thời rà soát cập nhật các công trình dự án vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm đối các công trình dự án đầu tư công, công trình dự án trọng điểm, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm định, thanh tra đối với việc xác định giá đất các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là địa bàn đô thị, khu vực nhạy cảm, có giá trị cao. Đồng thời rà soát các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tình hình triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định; kiên quyết thu hồi diện tích đất sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gây lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm trái quy định.

1

Đoàn kiểm tra của BTV Thành ủy Hạ Long làm việc với Đảng ủy phường Hà Phong về quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản đầu tư công năm 2023. Ảnh Hoàng Nga

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 203/NQ-HĐND (tháng 4/2024) về danh mục các dự án, công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đợt 1 năm 2024 trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh bổ sung, địa điểm thực hiện, diện tích dự án, diện tích thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác... 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh quyết định cho thuê đất đối với 20 tổ chức, diện tích là 1.130,55ha; giao đất cho 26 tổ chức, diện tích 514,21ha.

Các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác giao đất, cho thuê đất, quản lý đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản hộ gia đình, cá nhân; rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát cho thấy, đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 71 dự án đã được giao đất, cho thuê đất chậm tiến độ từ 2 năm trở lên. Các cơ quan chức năng đã ban hành kết luận thanh tra toàn diện đối với 175 dự án đầu tư có sử dụng đất; xử lý các nội dung liên quan đến quỹ đất và chi phí đã đầu tư của Nhà nước khi dự án có quyết định thu hồi đất; thu hồi, chấm dứt hoạt động đầu tư 2 dự án.

Công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và triển khai các dự án khai thác khoáng sản được tỉnh tăng cường theo hướng khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững tài nguyên thiên nhiên để phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội.

2

Hoạt động tiêu thụ than của TKV tại Cảng Cửa Ông. Ảnh: Phạm Tăng

Tỉnh cân đối giữa khai thác và dự trữ khoáng sản, phát triển bền vững công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than; kiểm soát chặt chẽ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tận dụng hiệu quả nguồn đất đá thải trong hoạt động khai thác, chế biến than làm vật liệu san lấp. Từ năm 2022 đến tháng 6/2024, UBND tỉnh đã ban hành 7 quyết định về bảng giá tính thuế tài nguyên đối với các loại tài nguyên khai thác trên địa bàn; ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản; quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và triển khai các dự án khai thác khoáng sản.

Tỉnh, các ban, ngành, địa phương chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm; tăng cường công tác quản lý đối với các mỏ hoạt động khoáng sản, hoạt động khai thác, tập kết, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ than, bã sàng đá xít, đất đá thải mỏ, sét, đá, cát, đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chức năng phối hợp thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu đề án đóng cửa mỏ, quyết định đóng cửa mỏ các khu vực khai thác than giấy phép hết hạn, đã dừng khai thác. Tỉnh triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 7 khu vực mỏ đất tại Hạ Long, Uông Bí, Hải Hà, Móng Cái.

3

Công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm của huyện Ba Chẽ. Ảnh: Minh Yến

Đặc biệt, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND (ngày 4/4/2024) về tuần hoàn chất thải rắn hữu cơ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2024 tỉnh dự kiến hoàn thành Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị ngành Than chủ động đổi mới sáng tạo, áp dụng KHCN vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên, như: Chở lao động xuống hầm lò bằng phương tiện vận tải chuyên dụng tời cáp treo, song loan; vận chuyển vật tư, thiết bị bằng tàu điện để; cải tiến kỹ thuật khai thác...

Các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền trong nhân dân về sử dụng tiết kiệm điện năng, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Năm 2023 toàn tỉnh tiết kiệm được 127 triệu kWh, tương đương 2,15% sản lượng điện thương phẩm của tỉnh. Từ năm 2022 đến tháng 6/2024 tỉnh ban hành 75 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

Thu Nguyệt