Luật Sở hữu trí tuệ và những điểm mới hữu ích dành cho doanh nghiệp

Admin
Lần sửa đổi thứ 3 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 là lần sửa đổi luật mang tính toàn diện và sâu rộng nhất từ trước đến nay, đó là những đánh giá của Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà, luật sư thàn

Bên lề Hội thảo “Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ (SHTT) cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0”, luật sư Nguyễn Thị Thu Hà đã có những chia sẻ hữu ích dành cho các doanh nghiệp, liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo bà, vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm trước hết chính là những thay đổi liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu.

Liên quan đến phần nhãn hiệu thì hiện nay luật SHTT của Việt Nam bắt đầu mở rộng bảo hộ nhãn hiệu sang nhãn hiệu âm thanh, việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh này có hiệu lực từ đầu năm nay. Vì vậy luật sư Hà cho biết: "Bên cạnh các nhãn hiệu thông thường như nhãn hiệu chữ, nhãn hiệu hình thì các doanh có thể bắt đầu nghĩ tới việc sử dụng âm thanh làm nhãn hiệu, có thể là các giai điệu ngắn, có thể là đoạn nhạc".

luat su ha

 Luật sư Nguyễn Thị Thu Hà, luật sư thành viên của Công ty luật Vision & Associates. Ảnh: Thái An

 

Theo luật sư Hà, các doanh nghiệp cũng cần chú ý tới một số thay đổi khác, như các tiêu chí để đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng, các căn cứ để phản đối, để từ chối chấm dứt hiệu lực của nhãn hiệu. Đây chính là các điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm. Vì khi nhãn hiệu được lựa chọn, được sử dụng thực tế và được nộp đơn tại Cục SHTT thì rất có thể bị từ chối hoặc gặp những yêu cầu nào đó từ phía Cục SHTT và các doanh nghiệp cần nắm được những quy định mới này để vận dụng tốt nhất bảo vệ cho nhãn hiệu của mình.

Ngoài ra, bà cho biết: "Một điểm nữa mà các doanh nghiệp cần lưu ý là cơ chế thực thi quyền SHTT tại Việt Nam theo nghị định mới có những thay đổi tích cực, ví dụ như cho phép sự tham gia chủ động hơn của các cơ quan nhà nước như cơ quan hải quan trong việc xử lý các hành vi xâm phạm. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cũng bắt đầu có trách nhiệm liên quan đến quyền tác giả và quyền liên quan, khi mà xảy ra hành vi xâm phạm trên các nền tảng họ cung cấp".

Những thay đổi liên quan đến việc thực thi trên môi trường số cũng được luật sư Hà đề cập. "Hành vi đăng ký tên miền không còn bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh vì vậy bên cạnh việc đăng ký nhãn hiệu thì các doanh nghiệp nên ngay lập tức nghĩ đến việc đăng ký các tên miền, mà cụ thể là các tên miền cấp quốc gia như .vn hoặc .com.vn vì khi có bên thứ 3 tiến hành hành vi chiếm đoạt các tên miền đó thì việc xử lý hành vi xâm phạm với tên miền sẽ trở nên khó khăn", bà Hà cho biết thêm.

Luật sư Hà cũng cho biết cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm trong việc thực thi khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực. Các cơ quan nhà nước cần có những hoạt động phổ biến pháp luật, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo liên quan đến SHTT vì đây là luật chuyên ngành. Ngoài ra, chính các doanh nghiệp cũng phải chủ động trong việc tìm hiểu các quy định pháp luật SHTT, tìm hiểu thông tin và có những tư vấn từ luật sư để vận dụng tốt nhất các quy định đó cho mình chứ không chờ đợi sự cung cấp dịch vụ hay sự giải thích từ các cơ quan nhà nước.

Theo Sở hữu trí tuệ