1-Triển lãm “THI HỨNG V” của nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương:
Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương sinh năm 1941 tại Phú Thọ, hiện đang sống tại Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội.
Những năm trước đây, cũng tại Nhà Triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Nhương từng tổ chức 4 triển lãm tranh cá nhân trước đó: Thi hứng I (1998), Thi hứng II (2003), Thi hứng III (2018), Thi hứng IV (2012) và lần này là Thi hứng V (2024).
Triển lãm “Thi hứng V” gồm 44 bức tranh về nhiều đề tài đa dạng như về phong cảnh thiên nhiên, hình ảnh thiếu nữ, tranh trừu tượng… Phần lớn tranh được vẽ bằng màu sắc mạnh, nét vẽ táo bạo và cá tính.
Trong buổi khai mạc, nhiều lời phát biểu của những nhà chuyên môn dành cho nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương. Song, với tôi, thật sự ấn tượng với lời phát biểu của nhà thơ Hữu Thỉnh (nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn họ Nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), dù ngắn gọn nhưng là lời trân quý với người bạn của mình: “Trần Nhương là một tài năng bẩm sinh. Tranh của ông chính là sự giải phóng niềm tin và khát vọng sâu kín nhất trong tâm hồn”.
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người từng dành nhiều thời gian trong cuộc đời mình “hóa thân vào hội họa” chia sẻ: “Tác giả là người thích “phá” đi những nguyên tắc trong hội họa, trong văn chương và thậm chí trong đời sống. Tranh của Trần Nhương là một thế giới đầy màu sắc và tràn đầy sự tự do, phiêu bạt. Vậy nhưng chúng vẫn rất nghiêm túc, giống hệt như con người Trần Nhương - tự do phóng khoáng trong thi ca, hội họa nhưng hoàn toàn nghiêm túc khi sáng tạo”.
Thực sự yêu mến và cảm phục ông, vẫn luôn dành những cống hiến cháy bỏng cho thi ca và hội họa, bất chấp tuổi tác đã ngoại 80…
Tôi đã rất xúc động bởi trong đám đông tham dự sự kiện triển lãm của cá nhân ông mà ông vẫn nhận ra tôi. Nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương vỗ vai tôi và giới thiệu với mọi người xung quanh: “Đây là cậu con trai yêu mẹ nhất thế giới”. (Có lẽ ông phát hiện ra điều này từ khi gặp tôi trong hội thảo thơ gia đình tôi tổ chức cho thân phụ và thân mẫu mấy lần trước đây). Ông đã tặng tôi cuốn sách do chính ông là tác giả, dày hơn 400 trang, với phần tiêu đề “Khoảnh khắc Văn nhân”, trình bày mấy trăm bức ký họa chân dung các nhà văn của ông và chia sẻ: Trong này có cả chân dung thân phụ của cháu - nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh, bác vẽ tặng bạn, năm xưa…
Tôi trân trọng đón nhận, cảm ơn và kính chúc ông luôn tráng kiện, luôn “cháy hết mình” cho những đam mê thơ ca, hội họa và liên tục tỏa sáng…
2- Triển lãm “KHÁT” trưng bày chung tranh và tượng: Họa sĩ Nguyễn Thành Việt và Triệu Tiến Công:
Tham dự khai mạc triển lãm, về phía Hội Mỹ thuật Việt Nam có nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch Thường trực; họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm - nguyên Phó Chủ tịch Hội; về phía Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ có nhạc sĩ Cao Hồng Phương - Chủ tịch Hội; họa sỹ Đỗ Ngọc Dũng, Chi hội trưởng Mỹ thuật, nguyên Chủ tịch Hội; lãnh đạo Nhà Triển lãm; hội viên Chi hội Mỹ thuật Hà Nội, Phú Thọ và đông đảo bạn bè, gia đình của hai hoạ sĩ.
Nhà báo Trần Quỳnh Hoa đến từ Đài Phát thanh Truyền hình Phú Thọ (PTV) giới thiệu: Hai họa sĩ Nguyễn Thành Việt và Triệu Tiến Công cùng trưởng thành từ quê hương Đất Tổ Vua Hùng. Với khát vọng, mong muốn tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật, mài đắp các giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm nghệ thuật, hướng đến những điều tốt đẹp; họa sĩ Nguyễn Thành Việt mang đến triển lãm 18 tác phẩm tranh sơn mài và nhà điêu khắc Triệu Tiến Công đã mang đến triển lãm 56 tác phẩm điêu khắc.
Mỗi hoạ sỹ có sự sáng tạo, phong cách riêng: Hoạ sĩ Nguyễn Thành Việt triển lãm bộ tranh sưu tập với gam màu nóng, ấm áp là chủ đạo, những mảng màu óng ả được tạo nên bởi son, vỏ trứng, vàng bạc… đã nhào nặn hoá thành không gian sống động trong tác phẩm sơn mài đầy màu sắc. Nhà điêu khắc Triệu Tiến Công hiện là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Chi hội Mỹ thuật, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ. Anh đã sáng tác được hơn 200 tác phẩm, đây là triển lãm cá nhân lần thứ 4, với 56 tác phẩm điêu khắc gốm và gỗ sáng tác trong thời gian 4 năm gần đây. Những tác phẩm tham dự triển lãm lần này của Triệu Tiến Công đã tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp và những nét văn hóa đặc trưng vùng đất Tổ, khơi dậy ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt.
Họa sĩ Nguyễn Thành Việt và nhà điêu khắc Triệu Tiến Công đi đến quyết định tổ chức triển lãm chung còn bởi các anh tìm thấy trong nhau những nét tương đồng: cùng sinh tháng 5; cùng là giảng viên và giáo viên giảng dạy mỹ thuật; cùng là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ; cùng lấy đối tượng sáng tác là cuộc sống đồng bào vùng cao; cùng là đồng hương tỉnh Phú Thọ và trên hết, cùng sử dụng ngôn ngữ hội họa điêu khắc để tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt.
Với những nét sáng tạo độc đáo, Triển lãm Hội họa và Điêu khắc với chủ đề “Khát” đã đem đến cho người xem những rung cảm nghệ thuật tươi mới, ấm áp từ hiện thực cuộc sống.
3- Triển lãm “SẮC QUÊ & KÝ HỌA” của họa sĩ Quỳnh Thơm, Vĩnh Phúc:
Đến dự khai mạc có nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam; họa sĩ Bằng Lâm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam; NSND, đạo diễn Lê Chức; Nhà Sử học Dương Trung Quốc, nhà báo Nguyễn Thị Thanh Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc; họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ; nhà thơ Hồng Đà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc tỉnh Phú Thọ… cùng đông đảo anh em hội viên mỹ thuật 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, người thân, bạn bè và công chúng yêu nghệ thuật.
Triển lãm trưng bày 168 tác phẩm sơn dầu, acrylic, mực nho… với đề tài thiên nhiên, phong cảnh, con người ở các vùng miền trung du. Người xem có thể cảm nhận rõ nét đẹp, màu sắc sinh động qua từng tác phẩm của họa sĩ Quỳnh Thơm.
Họa sĩ Quỳnh Thơm sinh năm 1971 tại xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Anh vốn là sinh viên khoa đồ họa Trường Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phú những năm 1988-1991.
Sau, anh tiếp tục học Đại học Sư phạm Mỹ thuật Hà Nội.
Vì cuộc sống mưu sinh, Quỳnh Thơm có một thời gian dài gắn bó với công việc thiết kế quảng cáo tại Tthành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, và mãi đến năm 2021, anh mới trở lại cầm cọ vẽ, bút màu, toàn tâm toàn ý với niềm đam mê của mình.
Nhà phê bình mỹ thuật Mai Thị Ngọc Oanh đánh giá cao năng lực và ý chí phấn đấu của họa sĩ Quỳnh Thơm, tuy xuất phát điểm của anh không phải từ những trường chuyên đào tạo về hội họa nhưng với sự ham học và năng khiếu vốn có, anh đã tự chứng minh được giá trị của mình và bây giờ thì tự tin giới thiệu đến công chúng các tác phẩm mới nhất.
Họa sĩ Mai Thị Ngọc Oanh còn nhấn mạnh: Quỳnh Thơm là một người hạnh phúc, bởi ít có họa sĩ nào có được ân hưởng đón kép cả hai Chi hội Mỹ thuật của hai tỉnh là Phú Thọ và Vĩnh Phúc đến chúc mừng khai mạc hôm nay…
Chia sẻ tại triển lãm về cậu học trò của minh, tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng cho biết Quỳnh Thơm là một cậu học trò “đặc biệt” của ông. Quỳnh Thơm vẽ một cách “điên cuồng”, “quên ăn quên ngủ” và tập trung cao độ cho hội họa. Ông cho biết, phải có một niềm đam mê và quyết tâm mạnh mẽ lắm mới có thể bứt phá được như vậy.
Họa sĩ Quỳnh Thơm rất xúc động vì những tình cảm chân thành mà người thân và bạn bè đã gửi tới anh nhân dịp triển lãm. Trong lời đáp từ của mình, Quỳnh Thơm tự hứa sẽ tiếp tục cố gắng hoàn thiện bản thân nhằm sáng tác thêm những tác phẩm đẹp, hướng tới những triển lãm “hoàn mỹ hơn” trong tương lai.
Có lẽ đúng như tiêu đề bài giới thiệu về Quỳnh Thơm trước đây, tôi đã dự cảm về một hiện tượng “Quỳnh Thơm nở giữa ban ngày”, đăng trên Thời báo Văn học Nghệ thuật. Và, cho đến trước khai mạc, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng lập tức lên trang với “luồng thông tin nóng”, ví sự kiện ra mắt triển lãm tranh của Quỳnh Thơm như một lần “đổ bộ về Kinh đô”… trên Tạp chí Mỹ thuật của Trung ương Hội, thật đáng khích lệ.
Xin chúc mừng các họa sĩ của Vĩnh Phú, quê hương Trung du, đã tham góp với Thủ đô và công chúng yêu nghệ thuật cả nước những triển lãm ấn tượng. Đó có thể được ví như một làn gió mát lành góp phần làm dịu nền nhiệt những ngày đầu hè 2024 trên mảnh đất văn hiến ngàn năm Thăng Long linh thiêng và hào hoa…
Hy vọng bên cạnh việc kiến tạo nên những ấn tượng tốt đẹp, lần “đổ bộ” này sẽ mang sứ mệnh khai mở, khích lệ anh chị em họa sĩ tỉnh nhà sớm tham gia vào “sân chơi lớn” của nền mỹ thuật quốc gia - Triển lãm Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam trong nay mai…
Cá nhân tôi chợt nhận ra qua mấy triển lãm mỹ thuật của đồng nghiệp mình về môi trường nghệ thuật hàm chứa một “nguyên tắc mềm”: Tách tỉnh nhưng không tách tình… sang trọng đến như thế!