Hà Nội: Quyết không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý dịp cuối năm

Hương Mi
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán luôn là cao điểm mua sắm khiến tình trạng thiếu hàng, hàng tăng giá bất hợp lý thường xuyên xảy ra.

Với gần 10 triệu người dân cư trú thường xuyên, Hà Nội là 1 trong 3 địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất của cả nước. Đặc biệt, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hàng năm là dịp cao điểm mua sắm nên sức mua của người dân sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, “Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn trên địa bàn TP đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết năm 2023)".Do vậy, hiên nay, TP Hà Nội và các tỉnh đang đẩy mạnh kết nối để bảo đảm nguồn cung ổn định hàng hóa thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô vào dịp cuối năm.

3011hangTet1

Đồng thời, để chuẩn bị tốt nhất mùa mua sắm Tết, TP. Hà Nội đã có nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Hà Nội quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý và hàng kém chất lượng dịp cuối năm.

Theo đó, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sơ sản xuất mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đảm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP. Các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Sở Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nghiên cứu đăng ký các điểm mở cửa bán hàng hết ngày 30 tháng Chạp và mở cửa bán trở lại vào các ngày mùng 1, mùng 2, mùng 3, mùng 4 tháng Giêng để phục vụ Nhân dân.

img_2985

Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.

Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ; 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, thị trấn; 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn. Ngoài ra, còn có 34 sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn. Có thể thấy, với hệ thống cung ứng hàng hóa rộng khắp trên địa bàn TP dịp Tết sẽ đáp ứng được đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.

“Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung, chúng tôi sẽ phối hợp với đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP” – bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, việc tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong các tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn TP.

Phạm Tài