Hà Nội: Phát hiện số lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc

Hương Mi
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục QLTT Hà Nội) đã phối hợp với Đội 7 - Phòng PC03 (Công an Hà Nội) tiến hành kiểm tra một điểm kinh doanh tại thôn Huỳnh Cung, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội và phát hiện số lượng lớn mỹ phẩm, phụ tùng không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ một số sản phẩm hàng hóa mỹ phẩm gồm: 2.160 tuýp thuốc nhuộm tóc Go On, loại 95g/tuýp (được đóng trong 18 thùng cát tông, 120 tuýp/thùng); 648 hộp gôm xịt tóc Hard Hold Hairspray, loại 600ml/hộp (được đóng trong 18 thùng cát tông, 36 hộp/thùng); 384 hộp thuốc nhuộm tóc Macadamia loại (500ml x 2)/hộp (được đóng trong 16 thùng cát tông, 24 hộp/thùng); 60 hộp kem ủ tóc Keratin loại 1000ml/hộp (được đóng trong 05 thùng cát tông, 12 hộp/thùng); 360 lọ dưỡng tóc Cocoesl loại 60ml/lọ (được đóng trong 03 thùng cát tông, 120 lọ/thùng); 1.200 gói dầu gội nhuộm tóc Black Hair Shapoo loại 30ml/gói (được đóng trong 02 thùng cát tông, 600 gói/thùng).

Ngoài ra, tại cơ sở này, lực lượng QLTT Hà Nội cũng phát hiện và tạm giữ trên 600 chiếc bình ắc quy nhãn hiệu Yamato, loại 12V (được đóng trong 150 thùng cát tông, 4 chiếc/thùng); 1.800 chiếc bình ắc quy nhãn hiệu Kijo, loại 12V 6GFM-15 (được đóng trong 450 thùng cát tông, 4 chiếc/thùng); 600 chiếc bình ắc quy CR7 loại 6-FD-30 (được đóng trong 150 thùng cát tông, 4 chiếc/thùng); 900 chiếc bình ắc quy nhãn hiệu Kenda loại 48V-30Ah (được đóng trong 225 thùng cát tông, 4 chiếc/thùng); 160 chiếc bình ắc quy nhãn hiệu amato loại 6-DPB-15 (được đóng trong 40 thùng cát tông, 4 chiếc/thùng).

ha noi

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn tạm giữ 2.880 hộp xịt chống gỉ chất bôi trơn đa dụng RP7 loại 175g/hộp made in Thailand; 3.360 hộp xịt chống gỉ chất bôi trơn đa dụng RP7 loại 350g/hộp made in China; 960 hộp xịt chống gỉ chất bôi trơn đa dụng RP7 loại 350g/hộp sản xuất tại Thái Lan... Toàn bộ số hàng hóa do nước ngoài sản xuất.

Toàn bộ số hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, người đại diện của cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ của số hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Mới đây, tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường cũng đã phát hiện 1.300 thùng bánh có dấu hiệu nghi vấn bên trong một kho tập kết hàng hóa.

Quá trình kiểm tra, đại diện doanh nghiệp không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

"Có thể thấy hộp bánh được trình bày rất bắt mắt, chữ tượng hình và nếu như chỉ xem qua trên môi trường Internet thì rất dễ nhầm tưởng đây là hàng nội địa cao cấp của Trung Quốc, nhưng thực tế đây là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ", ông Nguyễn Đức Nguyên, Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết.

hanoi1

Qua xác minh ban đầu, hầu hết số bánh kẹo này được bán cho người tiêu dùng thông qua các trang thương mại điện tử, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý.

Đáng nói, những loại bánh đa dạng màu sắc, mùi vị này được quảng cáo là bánh nội địa Trung Quốc, những món ăn vặt hấp dẫn của giới trẻ. Dễ tìm kiếm, dễ mua và chất lượng chỉ được kiểm chứng bằng đánh giá bằng lượt mua hay lượt yêu thích trên các trang mạng.

Thực tế cho thấy, một số sàn thương mại điện tử hay các trang bán hàng qua mạng xã hội đang thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, xác minh nguồn gốc các loại hàng hóa. Đây chính là kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng hình thức thương mại điện tử để gian lận, buôn lậu.