Hà Nội: 70 năm với mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững

Hương Mi
“Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn và bền vững” là nội dung tọa đàm được Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, Học viện Báo chí - Tuyên truyền tổ chức.

Qua những ý kiến, tham luận, phân tích tổng hợp và sâu sắc từ các chuyên gia, đại biểu tham dự, bức tranh kinh tế Thủ đô từ ngày giải phóng (10/10/1954) đến nay hiển hiện một cách rõ nét. Nhìn tổng thể, hoàn toàn có cơ sở để ghi nhận, tự hào về giai đoạn phát triển vừa qua của kinh tế Thủ đô, đồng thời tin tưởng vào tương lai phát triển nhanh hơn, bền vững hơn…

KINH TE HA NOI

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, phát biểu khai mạc toạ đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho biết, Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; thực sự là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam... Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng kinh tế khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng của cả nước. 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 61,7% dự toán (tăng 12,5% so với cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu tăng 8,8%; vốn đầu tư phát triển xã hội tăng 9,55% (cùng kỳ tăng 9%).

KINH TE HA NOI1

Ban Tổ chức tặng hoa cho các khách mời tham dự tọa đàm

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính, quy mô thu nhập của Hà Nội đã tăng rất mạnh mẽ trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%. Điều rất quan trọng là thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội vào năm 2023 đã lần đầu tiên vượt thu nhập bình quân đầu người của TP HCM.

KINH TE HN

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính

“Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Vào năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Đặc biệt, những năm gần đây kinh tế Thủ đô tăng trưởng theo hướng hiện đại, lan tỏa. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá, một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, rô bốt, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Trong hai năm 2021 và 2022, có 55 doanh nghiệp với 79 sản phẩm; năm 2023 có 33 sản phẩm của 24 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố. Hiện tại, Hà Nội đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của hệ thống khu - cụm công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp bên cạnh sự cải thiện ngày càng rõ nét, đồng bộ của hạ tầng giao thông. Đó là điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đăng ký đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước…

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội có nhiều dư địa cho tăng trưởng. Hà Nội là một trong 5 địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhất cả nước trong hàng chục năm qua; cũng là một trong những nơi đi đầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, đội ngũ doanh nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu cho doanh nghiệp FDI đã tăng vượt trội.

KINH TE HN2

TS Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững; nâng cao hiệu quả các nguồn lực, phù hợp với làn sóng đổi mới sáng tạo cũng như Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội chủ trương tập trung phát triển kinh tế số, sản xuất xanh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, kết hợp bảo vệ môi trường; xác định mục tiêu đối với các ngành, lĩnh vực. Đáng lưu ý, theo Chương trình Chuyển đổi số của thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước và lọt vào tốp 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, về công nghệ thông tin, về chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng. Giá trị đạt được của kinh tế số chiếm trên 40% GRDP và năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm…

KINH TE HN3

TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế

Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, ưu thế và lợi thế của Hà Nội rất lớn khi về cơ chế, chính sách, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Về hạ tầng, Hà Nội là trung tâm đầu mối kết nối vận tải. Hà Nội có cộng đồng doanh nghiệp hiện đại; cộng đồng lao động trẻ, thu hút 2/3 trí thức cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội có lợi thế quy mô thị trường và lợi thế vùng. Vì vậy, Hà Nội cần tận dụng hiệu quả các lợi thế này.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hà Nội đóng góp vào trong các chỉ số kinh tế của cả nước rất lớn. Hà Nội chỉ chiếm 1% về diện tích và 8,5% về dân số, nhưng hiện đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Trước hết, Hà Nội không chỉ là Thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, mà còn là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, giao dịch quốc tế. Về thế mạnh kinh tế, Hà Nội là động lực, đầu tàu tăng trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội có vị trí đầu mối giao thông (đường bộ, sắt, thủy, hàng không) và kết nối dễ dàng với các tỉnh, thành phố phía Bắc, cả nước và quốc tế. Với việc chuyển dịch thành thành phố xanh, sạch, thông minh, hiện đại, nếu thành công, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu trong khu vực và cả nước.

KINH TE HN4

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch VAFIE nêu lợi thế của Hà Nội nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế của miền Bắc, có Vùng Thủ đô nên rất cần phải phát huy.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn chia sẻ, Thủ đô có nhiều tiềm năng để bứt phá, tăng trưởng với nguồn nhân lực dồi dào, hạ tầng ngày càng hoàn thiện bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Hà Nội nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế của miền Bắc, có Vùng Thủ đô để phát huy nguồn lực. Chính phủ lại giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho Hà Nội và đặt trụ sở Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại đây. Ngoài ra, một số tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài cũng thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội. "Đáng lưu ý, một số tập đoàn công nghệ bán dẫn đang hy vọng sẽ phát triển ở Việt Nam, trong đó Hà Nội là địa chỉ quan tâm. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nếu như phát huy được cơ hội và tiềm năng", ông Nguyễn Văn Toàn nhận định.

KINH TE HN5

Phát triển kinh tế bền vững là xu thế tất yếu của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nếu muốn tồn tại và phát triển. Đã là xu thế thì chúng ta không thể đi ngược lại. Trong phát triển kinh tế bền vững thì có kinh tế xanh là một giải pháp (giao thông xanh, xây dựng xanh, nông nghiệp xanh). Đặc biệt là Thủ đô mà không sử dụng giải pháp này thì không thể phát triển.

Trong kinh tế xanh có một phần quan trọng là kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn giờ đã có sự thay đổi, đó là có sự “vòng lại” để tiết kiệm nguyên liệu, tái sản xuất, khi việc tiết kiệm những nguyên liệu không thể tái tạo được có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay.

Kinh tế tuần hoàn là một bộ phận có đóng góp rất lớn trong kinh tế xanh. Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường đã đề cập vấn đề kinh tế tuần hoàn, chủ trương cơ chế chính sách chung cũng đều đã có. Giờ chúng ta thực hiện như thế nào, nhất là thực hiện Luật Thủ đô ra sao mới là trách nhiệm của chúng ta. Cơ chế riêng của Thủ đô cho phát triển kinh tế tuần hoàn phải được nêu ra cụ thể. Cần tạo được môi trường thuận lợi hơn về thuế, về đất, nhất là cơ chế tín dụng rất quan trọng để các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Như vậy, trước hết TP Hà Nội cần đưa ra được những cơ chế chính sách rất cụ thể để khuyến khích nhiều người tham gia vào kinh tế tuần hoàn, để tránh bớt rủi ro, bảo đảm được cuộc sống. Tiếp đó, TP Hà Nội tổ chức chỉ đạo thực hiện ra rao cũng rất quan trọng, trong đó giám sát từng công đoạn trong thực hiện kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, tôi kiến nghị lãnh đạo TP Hà Nội trong công tác chỉ đạo nên coi trọng khâu kiểm tra, đôn đốc, giám sát; nếu đang thể hiện có bất cập thì phải điều chỉnh.

Cùng với đó, trong từng giai đoạn cần có đánh giá để điều chỉnh về cơ chế chính sách cho kinh tế tuần hoàn, không chỉ định kỳ mà có thể bất chợt, trong giao ban của TP… có đánh giá để điều chỉnh về mục tiêu trong giai đoạn mới. Trong vòng 80 năm Hà Nội sẽ có phát triển đột phá, đặc biệt phải phát triển bền vững với kinh tế xanh và tất cả các lĩnh vực xanh. Để đạt được điều đó và những mục tiêu đã đặt ra, chúng ta cần thực hiện tốt kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm ngân sách Nhà nước, nguyên vật liệu…

Nhiều chuyên gia tại tọa đàm cũng cho rằng, trên cơ sở nền tảng cùng nhiều cơ hội, thời gian tới Hà Nội sẽ khai thác tốt hơn tiềm năng của mình, tạo nên những thay đổi đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, tập trung vào việc phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Bởi đây không chỉ là một xu hướng mà chính là yêu cầu cấp bách, mang tính sống còn để đảm bảo sự phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.

Hữu Phúc