Đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị, cửa hàng bán lẻ

Hương Mi
Để đưa sản phẩm OCOP phát triển bền vững, TP.HCM đã có chính sách hỗ trợ kết nối các chủ thể OCOP với doanh nghiệp, nhà bán lẻ giúp đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt, có không gian trưng bày riêng để người tiêu dùng có thể dễ nhận diện.

Chương trình Quốc gia "Mỗi xã một sản phẩm" (One Commune One Product - OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị đầu tiên được triển khai trên toàn quốc từ năm 2018. Đến nay, cả nước có khoảng 8.689 sản phẩm OCOP của 4.479 chủ thể OCOP được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên.

z4547911664725_66eba60369

Người tiêu dùng dễ dàng tìm mua sản phẩm OCOP tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ.

TP.HCM nổ lực kết nối đưa sản phẩm OCOP đến gần với người dùng

Riêng tại TP.HCM, chương trình OCOP được triển khai thực hiện từ năm 2019. Đến nay thành phố đã có 66 sản phẩm được đánh giá, công nhận đạt 3 sao, 4 sao và có 1 sản phẩm đang đề xuất đánh giá sản phẩm 5 sao.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đưa ra đề án, kế hoạch về việc phát triển sản phẩm OCOP. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh mở rộng tất cả các đối tượng ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP tạo ra nhiều sản phẩm gắn chặt với đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, mở rộng định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với 6 lĩnh vực, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.

Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP phát triển bền vững, sau 3 năm thành phố sẽ đánh giá lại sản phẩm, nếu sản phẩm không đảm bảo theo tiêu chí OCOP đề ra sẽ bị thu hồi.

z4547930403407_e5f7c48156

Các chủ thể OCOP cùng các hệ thống phân phối ký bản ghi nhớ đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị.

 

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM - cho biết với việc đánh giá lại chất lượng sản phẩm sẽ giúp các chủ thể OCOP chú trọng vào việc đầu tư máy móc, thiết bị để cho ra những sản phẩm chất lượng nhất; thứ hai là sự cải tiến, những sản phẩm đạt 3 sao thì cố gắng phấn đấu để đạt 4 sao, 5 sao; thứ ba sản phẩm OCOP gắn với những nguyên liệu, nông sản địa phương, do đó cần phải quy hoạch vùng sản xuất, từ đó mang lại nguồn nguyên liệu tốt cho các chủ thể.

Điều quan trọng nhất trong việc đưa sản phẩm OCOP phát triển bền vững trong thời gian tới vẫn chính là người tiêu dùng có thể tiếp cận và ủng hộ sản phẩm OCOP. Vì vậy, thời gian qua, TP.HCM đã có những chính sách hỗ trợ, kết nối các chủ thể với các hệ thống phân phối lớn của thành phố nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Điển hình, cuối tháng 6/2023, trong khuôn khổ chương trình công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP năm 2022, các hệ thống phân phối lớn của thành phố đã ký biên bản ghi nhớ với các chủ thể OCOP để hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng phục vụ người tiêu dùng. Cụ thể, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mega Market đã ký biên bản ghi nhớ với 11 chủ thể; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM ký với 7 chủ thể; Tập đoàn Central Retail ký với 3 chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của TP.HCM.

Tạo không gian riêng cho sản phẩm OCOP

Là doanh nghiệp tiên phong phát triển chuỗi cung ứng nông sản “từ nông trại đến bàn ăn”, mang đến những sản phẩm chất lượng tươi ngon với giá cả bình ổn nhất, không ngừng nâng cao giá trị nông sản Việt cùng những sản phẩm OCOP chất lượng với giá cả tốt nhất.

Đại diện MM Mega Market cho biết những năm qua doanh nghiệp luôn tích cực tham gia các hoạt động Tổng kết Chương trình Hợp tác kinh tế - xã hội, kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các khu vực, tổ chức các tuần hàng OCOP, cũng như kết nối giao thương nhằm ký kết MOU và hợp tác sâu rộng với các sản phẩm nông sản và OCOP tỉnh nhà.

“MM Mega Market rất chú trọng hợp tác với các hộ nông dân và cơ sở sản xuất nhằm phát triển một gian hàng đặc sản vùng miền OCOP ngay tại hệ thống 21 Trung tâm MM Mega Market trên toàn quốc. Do đó, chúng tôi sẽ chọn lọc các chủ thể có các sản phẩm OCOP thế mạnh, có giấy chứng nhận OCOP, VietGAP, GlobalGAP, HACCP phù hợp với nhu cầu thị trường để ký kết và đưa vào hệ thống 21 trung tâm MM trên toàn quốc và tiếp theo đó là đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử của MM”, đại diện MM Mega Market cho biết.

z4547870117986_b5ca70bb04

Các sản phẩm OCOP được bày bán bên trong siêu thị, hệ thống bán lẻ tại TP.HCM.

Không chỉ MM Mega Market, hiện WinCommerce cũng đang tích cực liên kết với các hộ sản xuất, hợp tác xã tư nhân, doanh nghiệp địa phương cung ứng nông sản để có chính sách thu mua đồng hành cùng các chủ thể OCOP.

Được biết, WinCommerce ưu tiên triển khai các chương trình kết nối cung cầu, tuần hàng nông sản địa phương trên toàn hệ thống. Các sản phẩm OCOP khi phân phối về từng điểm bán sẽ được ưu tiên vị trí trưng bày, đồng thời hỗ trợ các nhà cung cấp địa phương truyền thông quảng cáo các sản phẩm tới người tiêu dùng qua các phương tiện báo chí, truyền hình,...

WinCommerce cũng chủ động kết nối, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt (như hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, vận chuyển, thu mua, trưng bày hàng hóa tại hệ thống siêu thị/cửa hàng) cũng luôn được ưu tiên nhằm tạo nên chuỗi cung ứng khép kín hàng hóa nội địa, các sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

“Thời gian qua, chúng tôi đã tích cực xúc tiến giao thương với các tỉnh và triển khai liên tục các tuần lễ hàng hóa nội địa, sản phẩm OCOP của địa phương. Hàng hóa Việt, nhất là các sản phẩm OCOP luôn được trưng bày ở tầng kệ đúng tầm nhìn, thu hút sự chú ý của khách hàng. Đặc biệt trong các tuần lễ giao thương, lễ hội nông sản nội địa, các sản phẩm này còn được đưa ra trưng bày ở khu vực riêng biệt ngay lối đi để tăng nhận diện với khách hàng”, đại diện WinCommerce chia sẻ.

Ghi nhận tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ tại TP.HCM, các sản phẩm OCOP được sắp xếp bày bán ở vị trí đẹp nhất, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy.

ocop1

WinCommerce thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, tuần hàng nông sản địa phương nhằm đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, khi sản phẩm OCOP vào kệ hàng, cũng như tích cực tham gia các tuần lễ xúc tiến thương mại, nông sản nội địa ghi nhận các mặt hàng OCOP được người tiêu dùng đón nhận vì nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao… Qua đó gia tăng về sức mua cũng như độ phổ biến của các sản phẩm OCOP tại các hệ thống siêu thị

Tuy nhiên, hiện nay số lượng sản phẩm OCOP vào siêu thị, hệ thống bán lẻ chiếm lượng rất thấp so với tổng số lượng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Nguyên nhân được các doanh nghiệp cho rằng có thể là do quy trình sản xuất từ nguyên liệu cho tới thành phẩm chưa đạt yêu cầu của các hệ thống; hay các sản phẩm này chưa được đầu tư nhiều về hình ảnh thương hiệu (nhận diện bao bì không bắt mắt khi trưng bày trên cùng 1 quầy kệ với các mặt hàng khác; công tác hậu mãi chưa đạt yêu cầu).

Bởi để đưa sản phẩm OCOP lên kệ hàng của siêu thị, hệ thống bán lẻ các sản phẩm OCOP luôn được kiểm soát chặt chẽ từ hồ sơ chất lượng hàng hóa, nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào lẫn đầu ra, mẫu mã bao bì,...

“Các sản phẩm OCOP về chất lượng thì chắc chắn không phải tranh cãi. Nhưng để đưa sản phẩm vào hệ thống của siêu thị, chúng tôi nghĩ các chủ thể OCOP cần đầu tư thêm về mặt hình ảnh mẫu mã bao bì để hợp với thị hiếu tiêu dùng. Ngoài ra, năng lực sản xuất, tài chính còn hạn chế ảnh hưởng đến việc phát triển sản phẩm về mặt số lượng, đáp ứng đủ nguồn cung liên tục trong thời gian dài”, đại diện MM Mega Market cho biết.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng lưu ý đến các chủ thể OCOP cần có chương trình quảng bá đồng bộ, dài hơi về các sản phẩm OCOP, giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn với các sản phẩm này. Đồng thời, cần có nguồn quỹ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP nhằm cải tiến năng lực sản xuất, cải tiến bao bì, mẫu mã, đạt tiêu chuẩn quốc tế.