Mỗi ngày TP.HCM phát sinh trung bình khoảng 9.500 – 10.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay khối lượng rác thải sinh hoạt đa phần được xử lý bằng công nghệ chôn lấp (chiếm 60%), phần còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế.
Ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) cho biết Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước ủng hộ việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ chôn lấp sang đốt. Tuy nhiên, VWS sẽ không đánh đổi sức khỏe người dân với những công nghệ giá rẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn và TP.HCM phải trả mức giá đúng và đủ theo công nghệ, thiết bị các nước G7 sản xuất.
Chuyển đổi công nghệ đốt rác nhưng không bất chấp
Định hướng của TP.HCM trong công tác xử lý chất thải rắn đô thị tầm nhìn đến năm 2030 là hướng đến quản lý môi trường xanh, ứng dụng công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Với lượng chất thải rắn sinh hoạt đang gia tăng, cùng với quỹ đất hạn chế, việc áp dụng các công nghệ mới hạn chế chôn lấp chất thải rắn nhằm tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo môi trường và tận dụng nguồn tài nguyên từ rác là yêu cầu cấp bách trong tiến trình phát triển TP.HCM, với mục tiêu đưa thành phố trở thành đô thị công nghệ hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Được biết, hiện trên địa bàn TP.HCM có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt với tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi khoảng 6.700 - 7.300 tấn/ngày. Trong đó, Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước ở xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) đang là đơn vị có công suất chuyển đổi công nghệ lớn nhất thành phố, với khối lượng lên đến 3.000 tấn/ngày.
Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước do Công ty VWS làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2005, ngay trên vùng đất hoang hóa, sình lầy và là nơi xử lý rác thải cho thành phố đông dân nhất cả nước. Đến nay, trên diện tích 128 ha, ông David Dương vẫn đang tiếp tục đầu tư cho các dự án “biến rác thành vàng”.
Với vốn đầu tư vài trăm triệu USD, dự án đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp tối đa, biến rác thải thành điện năng, đất sạch, khí CNG, phân compost. “Thời gian qua, chúng tôi tốn rất nhiều thời gian cho việc khảo sát, nghiên cứu công nghệ của các nước phát triển đang áp dụng, nhằm chọn ra công nghệ tốt nhất, phù hợp cho loại rác thải tại Việt Nam”, ông David Dương chia sẻ.
Tuy nhiên, rác của TP. HCM có độ ẩm rất cao lên đến trên 60%, chất thải hữu cơ cũng chiếm trên 80%. Vì vậy, áp dụng công nghệ xử lý rác nào nhà đầu tư cũng tính bài toán hiệu quả kinh tế gắn liền với môi trường. Thực trạng rác ở Việt Nam, nếu đầu tư đúng, đủ những công nghệ đốt rác tiên tiến thì chi phí rất cao, nếu ứng dụng công nghệ đốt rác mà để khói thải trên bầu trời gây ô nhiễm thì hậu quả rất khó xử lý.
“Chúng tôi là nhà đầu tư uy tín về xử lý rác. Vì vậy nếu có đơn vị nào chào bán công nghệ đốt rác phát điện cho Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước mà không đạt yêu cầu, chúng tôi dứt khoát không mua. Tôi không đánh đổi uy tín của CWS đã tạo dựng tại Mỹ, cũng như VWS ở Việt Nam chỉ với mục đích cho xong việc, càng không bao giờ muốn đánh đổi sức khỏe của người dân TP.HCM cho việc làm như thế”, ông David Dương nhấn mạnh.
Đưa nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam
Ngoài Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, Công ty VWS của ông David Dương vẫn còn “dang dở” với dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh Long An tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Dự án được Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD, vốn giai đoạn 1 khoảng 450 triệu USD.
Bên cạnh nỗ lưc kiến nghị Chính phủ, tỉnh Long An tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý, đầu tư, tại dự án này, ông David Dương ấp ủ dự định chuyển đổi một phần công năng để xây dựng khu công nghệ cao. Quỹ đất dự kiến cho khu công nghệ cao khoảng 500 ha trên tổng diện tích đất toàn khu 1.760 ha.
“Tôi dự định mời gọi khoảng 5 hoặc 7 doanh nghiệp tại thung lũng Silicon đầu tư, xây dựng khu công nghệ cao đúng chuẩn, kết hợp các tiện ích như khu dân cư, trường học, bệnh viện phục vụ cho khu công nghệ cao. Tôi kỳ vọng tạo ra một dự án khu công nghệ cao quy mô lớn, nhiều doanh nghiệp Mỹ tìm đến Việt Nam để đầu tư. Một khi các thủ tục pháp lý được hoàn thiện, tôi sẽ bắt tay ngay vào dự án lớn này chứ không chỉ nói suông”, ông David Dương nói.
Ông David Dương bật mí sau Tết nguyên đán năm nay, ông sẽ đưa ông Douglas M. Leone - tỷ phú người Mỹ - hiện đang nắm giữ một quỹ đầu tư khoảng 80 tỷ USD về Việt Nam. Trải lòng về lời mời đặc biệt này, ông David Dương cho biết vị tỷ phú Mỹ này đã hứa sẽ cùng ông David về Việt Nam và đầu tư vào những dự án của VWS tại VN và những dự án khác mà ông David giới thiệu.
Theo ông “vua” ngành rác, việc sớm hoàn thiện các thủ tục pháp lý và đẩy nhanh dự án Khu công nghệ Môi trường xanh Long An sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19 là cơ hội để Việt Nam chứng minh sức tăng trưởng mạnh mẽ của mình cho nhà đầu tư quốc tế. Từ đó, Việt Nam cũng khẳng định là môi trường thân thiện cho những doanh nghiệp nước ngoài.
“Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh không nên chậm trễ nữa. Hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý môi trường ở Mỹ và giờ là Việt Nam, tôi cho rằng ở môi trường đầu tư nào cũng có những khó khăn nhất định. Cái quan trọng là khó khăn đó được tháo gỡ hay không? Khi dòng chảy được khơi thông, mọi thủ tục, sự phiền hà được tháo gỡ chắc chắn nhà đầu tư sẽ hào hứng hơn. TP.HCM là điển hình tiêu biểu cho việc trải thảm đỏ đón nhà đầu tư từ nước ngoài, nhất là những Việt kiều trở về xây dựng quê hương. Nhìn thấy sự cởi mở từ TP.HCM trong nhiều năm qua, tôi hy vọng việc cải thiện môi trường đầu tư sẽ lan rộng ra cả Long An”, ông David Dương tâm tư.
Ông David Dương sinh tại TP.HCM. Trước năm 1975, gia đình ông từng sở hữu Công ty Giấy Đồng Nai (CoGiDo), sản xuất giấy lớn nhất miền Nam. Sau khi định cư tại bang California (Mỹ), ông và gia đình đã trải qua nhiều cuộc cạnh tranh khốc liệt với các công ty chuyên về xử lý chất thải ở Mỹ.
Bằng tài năng và ý chí của mình, ông hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) - công ty châu Á duy nhất đứng thứ 23/100 doanh nghiệp ngành xử lý chất thải của Mỹ, đồng thời là Chủ tịch Công ty Vietnam Waste Solutions (VWS) tại Việt Nam.
Với thành công trong kinh doanh, ông David Dương được bầu là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ -VABA. Với cương vị Chủ tịch VABA, ông đã giúp kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tạo cơ hội thuận lợi cho nhiều doanh nhân Việt kiều tại Mỹ đầu tư về Việt Nam một cách thiết thực, hiệu quả.