Theo thông tin từ Reuters, một công ty con ở Ý của gã khổng lồ xa xỉ LVMH của Pháp chuyên sản xuất túi xách mang nhãn hiệu Dior đã bị tòa án tại Milan xem xét các vấn đề liên quan tới cáo buộc ngược đãi công nhân.
Theo đó, tòa án đã áp lệnh công ty Manufactures Dior SRL - thuộc sở hữu của Christian Dior Italia SRL phối hợp điều tra trong một năm sau khi các công tố viên cáo buộc các doanh nghiệp này thường tuyển những lao động nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc và Philipines.
Cáo buộc cũng chỉ ra rằng, khi tham gia vào hoạt động sản xuất tại những cơ sở này, công nhân phải ngủ trong xưởng do nhà máy hoạt động 24 giờ, không có ngày nghỉ. Các thiết bị an toàn cũng bị gỡ bỏ khỏi máy móc để tăng tốc độ sản xuất.
Bên cạnh đó, các nhà thầu phụ tiết kiệm chi phí sản xuất đã bán mỗi chiếc túi cho Dior với giá 53 euro (1,4 triệu đồng). Những chiếc túi này sau đó được bán trong các cửa hàng Dior với giá 2.600 euro (gần 70 triệu đồng). Thông tin mới này đã thực sự gây sốc đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới khi các sản phẩm túi của Dior luôn được nằm trong phân khúc thời trang xa xỉ.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, về mặt pháp lý, toà án không điều tra trực tiếp tới Dior mà đối với các công ty cung cấp của thương hiệu này, bao gồm 4 nhà cung cấp nhỏ tại khu vực xung quanh Milan, đó là Pelletteria Elisabetta Yang SRL, New Leather Italy SRLS, AZ Operations SRLS, và Davide Albertario Milano SRL. Với tổng cộng 32 nhân viên, trong đó có 2 người nhập cư bất hợp pháp và 7 người không có giấy tờ hợp lệ. Các công nhân này phải làm việc trong điều kiện vệ sinh và sức khỏe kém, bị buộc phải ngủ tại nơi làm việc để sẵn sàng lao động 24 giờ mỗi ngày.
Mặc dù vậy, khi các thông tin được công bố, Dior đã bị ảnh hưởng không nhỏ.
Dior là một thương hiệu xa xỉ của Pháp. Năm 1978, công ty mẹ của Dior là Tập đoàn Boussac tuyên bố phá sản. Dior được tỷ phú đứng sau Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) - Bernard Arnault mua lại.
Hơn một nửa hàng xa xỉ trên thế giới được sản xuất bởi các nhà máy nhỏ tại Ý. Nhưng thực tế, các công ty này đều do người Trung Quốc thành lập, họ thường sử dụng lao động bất hợp pháp để giảm chi phí.
Trước đó, vào hồi đầu năm nay, thương hiệu Giorgio Armani cũng bị dính vào bê bối liên quan tới các xưởng gia công bất hợp pháp. Trong vụ việc này, Tòa án Milano áp lệnh cho Công ty Giorgio Armani Operations dưới quyền quản lý của cơ quan tư pháp trong vòng một năm. Trong suốt thời gian này, chi nhánh của tập đoàn Armani vẫn tiếp tục hoạt động nhưng dưới sự giám sát của một nhà quản lý do tòa án chỉ định.
Vào năm 2021, Pháp cũng thực hiện điều tra đối với 4 thương hiệu bán lẻ thời trang Uniqlo chi nhánh ở Pháp, Inditex chủ thương hiệu Zara Tây Ban Nha, SMCP và Sketchers, vì nghi ngờ những công ty đa quốc gia này che giấu vấn đề sử dụng lao động cưỡng ép ở vùng Tân Cương, Trung Quốc.
Khánh An