Sau một nhiệm kỳ hoạt động, Ban Chấp hành Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam đã lãnh đạo, điều hành đúng chức năng, nhiệm vụ, triển khai các hoạt động theo tầm nhìn chiến lược được xây dựng tại Đại hội khoá III. Hội đã thực hiện vai trò đầu mối trong việc thúc đẩy phong trào chơi và tập luyện môn thể thao điện tử, vũ đạo thể thao giải trí phát triển rộng khắp, tổ chức thi đấu trong và ngoài nước, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, trọng tài, huấn luyện viên và một số công tác chuyên môn khác; thành tích thi đấu quốc tế đạt được nhiều kết quả cao rất đáng ghi nhận.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Cục trưởng Cục TDTT khẳng định, Thể thao điện tử (E-Sports) đã và đang phát triển rất mạnh mẽ và trở thành một ngành nghề, một nền công nghiệp. Hiện tại, E-Sports đã phổ biến đến rất nhiều người chơi. Quan niệm về tuyển thủ chơi E-Sports cũng đã cởi mở hơn với hầu hết mọi người. Những cộng đồng E-Sports được xây dựng bài bản, văn minh. Nhiều giải đấu được tổ chức thường xuyên, có tính chuyên môn cao, có sự đầu tư kỹ lưỡng và chuyên nghiệp ở khâu tổ chức, được truyền hình trực tiếp và có bình luận viên. Sự phát triển bùng nổ của E-Sports kéo theo sự tăng trưởng của hàng loạt lĩnh vực khác.
Sự phát triển của thể thao điện tử trong những năm gần đây là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của các tuyển thủ, tổ chức và cơ quan quản lý nhà nước trong việc nâng tầm vị thế của môn thể thao này với các môn thể thao phổ biến khác. Không ít tuyển thủ thể thao điện tử đã thể hiện năng lực cá nhân vượt trội khi tham dự các giải đấu lớn, khắc nghiệt ở khu vực và trên thế giới.
Những năm gần đây, cộng đồng thể thao điện tử ở châu Á và Đông Nam Á đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thể thao điện tử trong khu vực. Điển hình là việc thể thao điện tử trở thành bộ môn thi đấu chính chức tranh huy chương tại 03 kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á liên tiếp bao gồm SEA Games 30 tại Philippines, SEA Games 31 tại Việt Nam và SEA Games 32 tại Campuchia. Bên cạnh đó, thể thao điện tử cũng là môn thi đấu chính thức tranh huy chương tại ASIAD 19 tổ chức tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 09 năm 2023. Mới đây nhất, Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) đã công bố hợp tác có thời hạn 12 năm cùng Uỷ ban Olympic Ả Rập Xê Út về việc tổ chức Đại hội thể thao điện tử (Olympic Esport Games) bắt đầu từ năm 2025. Điều này đã tạo ra độ nhận diện rộng rãi, chuyên nghiệp và bài bản về thể thao điện tử tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại Việt Nam, hiện nay thể thao điện tử đã trở nên phổ biến, trở thành một trong những môn thể thao được nhiều người ưa thích. Các câu lạc bộ thể thao điện tử chuyên nghiệp, phong trào đang được tổ chức và phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước. Các giải thể thao điện tử phong trào cũng đã được tổ chức rất thường xuyên và đang dần hoàn thiện cả về qui mô và chất lượng, hướng tới giải đấu chuyên nghiệp. Tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 10 bộ môn thể thao điện tử phổ biến, có hệ thống giải đấu ở đủ các cấp độ từ giải cộng đồng, phong trào, giải sinh viên, bán chuyên và chuyên nghiệp với tổng cộng khoảng 40 Câu lạc bộ (Đội tuyển) chuyên nghiệp đã và đang hoạt động, tham gia thi đấu tại các giải đấu trong nước và quốc tế.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam đã rất tích cực mở rộng quan hệ với Liên đoàn, Hiệp hội các nước trong khu vực, quốc tế với vai trò là thành viên tích cực trong khu vực Đông Nam Á, là thành viên của Liên đoàn Thể thao điện tử châu Á (AESF), Liên đoàn thể thao điện tử quốc tế (IESF), Liên đoàn thể thao điện tử toàn cầu (GEF). Điều này đã mở ra nhiều cơ hội thi đấu và tập huấn quốc tế cho các VĐV thể thao điện tử Việt Nam.
Đại hội đã bầu ra 41 thành viên trong Ban Chấp hành và 3 thành viên Ban Kiểm tra nhiệm kỳ IV (2024-2029). Ban chấp hành và Ban Kiểm tra đã họp bầu ra các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Theo đó, ông Đỗ Việt Hùng đắc cử vị trí Chủ tịch VIRESA nhiệm kỳ mới.
Phát biểu Đại hội, tân chủ tịch Đỗ Việt Hùng bày tỏ: "Với mô hình tổ chức, nhân sự thể hiện được tính đại diện, bao quát các lĩnh vực, chúng tôi tin tưởng các thành viên trong BCH nhiệm kỳ IV sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra".
Từ thực tiễn phát triển của Thể thao điện tử và Vũ đạo thể thao giải trí trên thế giới và Việt Nam cũng như thực trạng hoạt động của VIRESA trong các năm qua, việc củng cố và nâng cao vai trò, hoạt động của Hội là cần thiết, từ đó tạo nên sự đồng bộ, thống nhất từ định hướng, chủ trương hoạt động tới công tác quản lý, điều hành; phát huy tiềm năng và các thế mạnh của thể thao điện tử và thể thao giải trí Việt Nam.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của VIRESA là đẩy mạnh công tác xã hội hóa và thu hút nhiều hơn nguồn lực tham gia phát triển thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí Việt Nam, đặc biệt là vai trò của các Nhà phát hành, các nhà sản xuất, các doanh nghiệp lớn và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo thành sức mạnh tổng thể, hiện thực hoá các tiềm năng lớn và khả thi tại Việt Nam, tiên phong và đi đầu trong các phong trào thể thao thế hệ mới trên thế giới.
Nâng cao thành tích ở cấp độ quốc gia, qua đó khẳng định vị thế của nền Thể thao điện tử và Thể thao giải trí Việt Nam với khu vực cũng như thế giới. Đến năm 2029, Việt Nam đứng trong nhóm dẫn đầu châu Á (TOP 5), có vị trí cao trên thế giới, hướng đến mục tiêu có huy chương tại các kỳ Đại hội do IOC tổ chức.
- Phát triển Thể thao điện tử, thể thao thể chất số và vũ đạo thể thao giải trí theo hướng toàn diện và bền vững, hướng đến việc chuyên nghiệp hóa theo chuẩn quốc tế
- Tiên phong, chủ động đăng cai để Việt Nam trở thành Trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế về Thể thao điện tử của khu vực châu Á và thế giới.
- Chủ trì đề xuất, huy động các nguồn lực để phát triển phong trào thể thao điện tử, thể thao thể chất số, vũ đạo thể thao giải trí rộng khắp trên toàn quốc, trong đó có hoạt động tại các trường học dành cho đối tượng học sinh, sinh viên. Hướng tới mục tiêu đưa thể thao điện tử, thể thao thể chất số và vũ đạo thể thao giải trí vào các sự kiện lớn qui mô toàn quốc như Hội khoẻ phù đổng và Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc.