Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc luôn yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ... đối với các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường. Trong đó, tập trung kiểm tra kiểm soát phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu và gian lận thương mại, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Ban chỉ đạo 389 các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các lực lượng chức năng trực thuộc tăng cường điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tập trung vào các đường dây, ổ nhóm; nơi tập kết, điểm trung chuyển hàng hóa, kho hàng; các đối tượng chủ mưu cầm đầu; các phương thức, thủ đoạn gian lận về giá, đo lường, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ; hợp thức hóa đơn, chứng từ... để có phương án, biện pháp đấu tranh hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo 389 các huyện, thành phố, lực lượng chức năng cũng chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.
Với những nỗ lực trên, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt hành chính 1.165 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; khởi tố hình sự 22 vụ với 28 đối tượng; thu nộp ngân sách Nhà nước trên 71.910 triệu đồng; phạt bổ sung, truy thu thuế 44.879 triệu đồng.
Một vài vụ việc điển hình như vào ngày 17/3/2023, Đội QLTT số 5 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh đối với Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thiên Ân, địa chỉ thôn Giữa, xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc do bà Dương Thị Thùy Dung, sinh năm 1997 làm Giám đốc.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 3.204 đơn vị sản phẩm quần, áo nhãn hiệu ZARA và 700 đôi tất nam nhãn hiệu NIKE có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam (tổng số 3.904 sản phẩm hàng hóa, trị giá hàng hóa gần 60 triệu đồng).
Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, đại diện Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thiên Ân không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, bà Dương Thị Thùy Dung - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thiên Ân cho biết, toàn bộ hàng hóa nói trên do doanh nghiệp làm chủ sở hữu, được mua trôi nổi trên thị trường trong nước, thông qua mạng xã hội Facebook, khi mua không có hóa đơn chứng từ, không rõ tên, số điện thoại và địa chỉ cụ thể của người bán, hàng hóa mới mua về trưng bày để bán, trong khi chưa bán được sản phẩm nào thì bị kiểm tra, tạm giữ.
Từ ngày 12-19/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất 6 Cơ sở kinh doanh quần, áo, giày dép trên địa bàn gồm: Cửa hàng HQ BOUTIQUE; Cửa hàng Shop Nhung Nấm; Cửa hàng Shop Nghệ Lương; Cửa hàng Sao shop; Cửa hàng Huế Chanel và Cửa hàng JUNSI hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tại thời điểm kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh trên đang kinh doanh, trưng bày, bày bán hàng hóa là sản phẩm giày, dép, quần, áo, túi xách… các nhãn hiệu BURBERRY, DIOR, GUCCI, LOUIS VUITTON (LV), CHANEL. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Sau khi thẩm tra, xác minh xác định toàn bộ số hàng hóa nêu trên giả mạo nhãn hiệu BURBERRY, nhãn hiệu DIOR, nhãn hiệu GUCCI, nhãn hiệu LOUIS VUITTON (LV), nhãn hiệu CHANEL đang được bảo hộ tại Việt Nam, Đội QLTT số 5 đã hoàn thiện hồ sơ vụ việc trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc ban hành 06 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 46 triệu đồng, buộc tiêu hủy gần 200 đơn vị sản phẩm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Mới hơn, ngày 2/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng Týt Mýt trên đường Mê Linh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, phát hiện cơ sở bày bán 34 sản phẩm là các loại là dép, túi xách và áo phông ngắn tay nữ đều gắn nhãn hiệu HERMÈS và nhãn hiệu GUCCI đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng giá trị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu theo giá niêm yết trên sản phẩm là gần 10 triệu đồng. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là các tháng cuối năm và thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Thời điểm này, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đang tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Chủ động quản lý từng địa bàn, nắm vững diễn biến tình hình hoạt động, kiên quyết đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm xuất xứ và gian lận thương mại điện tử. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng như xăng dầu, phân bón, vật tư nông nghiệp và hoát chất, hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, thời trang. Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng dành nguồn lực tiếp tục trang bị phương tiện, cơ sở vật chất, phục vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ; triển khai mạnh mẽ việc áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra, nhận diện hành vi vi phạm, bảo đảm xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.