Theo dữ liệu theo thời gian thực (real-time) vừa được tạp chí Forbes cập nhật, vị trí xếp hạng của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) - đã có sự nhảy vọt ngoạn mục trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Cụ thể, với khối tài sản ròng được xác định lên tới 77,2 tỷ USD trong ngày 16/8, ông Phạm Nhật Vượng trở thành người giàu thứ 16 trên thế giới. Sau một ngày, giá trị tài sản ròng của Chủ tịch Vingroup tăng tới 32,7 tỷ USD tương ứng tăng 73,45%.
Mức tăng đột biến về giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng được Forbes ghi nhận sau khi hãng xe VinFast (một thành viên thuộc Vingroup) niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq của Mỹ. Trong ngày đầu ra mắt, cổ phiếu VFS của VinFast bật tăng mạnh 68,45%, đóng cửa tại 37,06 USD/cổ phiếu.
Theo đó, giá trị vốn hóa của VinFast chính thức vượt 85 tỷ USD, vượt mặt hàng loạt hãng xe danh tiếng trên thế giới về quy mô vốn hóa. Đây cũng là doanh nghiệp Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất tính đến hiện tại, vượt xa cả Vingroup (vốn hóa cuối phiên 16/8 đạt hơn 12 tỷ USD).
Từ ông vua mì gói đến chủ tịch tập đoàn Vin Group
Phạm Nhật Vượng (sinh ngày 5/8/1968), tuy lớn lên từ nhỏ tại Hà Nội thế nhưng quê gốc của ông lại ở Hà Tĩnh. Cha của ông là Phạm Nhật Dương – một quân nhân phục vụ trong lực lượng Không quân thuộc quân đội nhân dân Việt Nam; mẹ bán trà rong trên phố.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhờ những thành tích học tập xuất sắc, ông đã được chọn sang du học ở Moskva (Nga) tại Trường Mỏ địa chất và theo học ngành kinh tế địa chất.
Năm 1993, ở thời điểm khi Liên bang Xô Viết đã tan rã với rất nhiều hệ lụy và cơ hội mới, Phạm Nhật Vượng sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế địa chất đã không lựa chọn nghề mỏ đã học mà bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, đầu tiên ở chính thủ đô Nga rồi chuyển đến Ukraina, mở nhà hàng và thành lập Công ty Technocom tại cố đô Kharkov.
Ngày 8/8/1993, ông bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền với thương hiệu “Mivina” theo quy trình sản xuất nhập khẩu từ Việt Nam. Đến năm 2004, mỳ ăn liền hiệu “Mivina” đã chiếm tới 97% thị phần ở Ukraine. Năm 2007, doanh nghiệp của ông bắt đầu sản xuất thức ăn nhanh và sản xuất các loại súp đóng gói. Thành công vang dội, cái tên Phạm Nhật Vượng được xứng danh “ông vua thức ăn chế biến” tại thị trường Ukraina.
Đến năm 2010, sự nghiệp của ông rẽ sang một bước ngoặt khác khi Nestle mua lại công ty Technocom với mức giá không được tiết lộ. Sau đó Phạm Nhật Vượng quay về Việt Nam, ông nảy ra ý tưởng biến một số đảo hoang sơ tại Nha Trang thành khu nghỉ dưỡng cao cấp. Kết quả là Vinpearl Resort Nha Trang 225 phòng ra đời.
Một năm sau, ông khai trương Vincom Bà Triệu – tổ hợp trung tâm thương mại đầu tiên tại Hà Nội. Ba năm sau, ông bổ sung 260 phòng nữa tại Vinpearl và lắp cáp treo xuyên biển dài 3,2 km. Ông cũng cho xây dựng Vincom Village với hàng trăm biệt thự cao cấp. Vincom được niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2007. Trong khi đó, Vinpearl vẫn là công ty kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng độc lập.
Tháng 1/2012, Công ty CP Vinpearl sáp nhập vào Công ty CP Vincom và chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng được sự tín nhiệm tuyệt đối của Đại hội đồng cổ đông, bầu vào vị trí Chủ tịch Tập đoàn.
Tháng 2/2012, cổ phiếu Vingroup (mã: VIC) chính thức được phát hành trên sàn giao dịch đã minh chứng tiềm lực của tập đoàn. Hiện nay, Vingroup đã khẳng định mình với 4 nhóm thương hiệu chiến lược gồm: Vinhomes (Hệ thống Bất động sản nhà ở dịch vụ hạng sang); Vincom (Hệ thống TTTM đẳng cấp); Vinpearl (Bất động sản du lịch; dịch vụ du lịch – giải trí); Đồng thời mở rộng ra các lĩnh vực như Vinmec (y tế chất lượng cao), Vinschool (giáo dục)… và mới nhất là Vinfast (ô tô).
Hiện nay, VinGroup là tập đoàn đa ngành và mở rộng hệ sinh thái kinh doanh ở những lĩnh vực sau:
– Vinschool: Hệ thống giáo dục liên cấp
– Vineco: Sản phẩm nông nghiệp sạch
– Vinmart: Hệ thống bán lẻ
– Vinpro: Siêu thị điện máy & công nghệ
– Vinfast: Công nghiệp nặng, chế tạo ô tô, xe máy…
– Vinfa: Nghiên cứu, sản xuất, phân phối thuốc, sinh phẩm y tế, dược mỹ phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
– Vinhomes: Hệ thống căn hộ, biệt thự và nhà phố thương mại cao cấp
– Vincity: Bất động sản đại chúng với hệ thống dịch vụ đồng bộ
– Vincom: Chuỗi trung tâm thương mại
– Vinpearl: Hệ thống nghỉ dưỡng, du lịch, giải trí cao cấp
– Vinmec: Hệ thống bệnh viện đa khoa quốc tế
Và một số lĩnh vực khác.
Năm 2014 được đánh giá là năm bản lề gia nhập thị trường bán lẻ của tỷ phú Phạm Nhât Vượng khi mua lại chuỗi siêu thị thuộc quản lý của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) và xây dựng các thương hiệu như VinFashion, BFF, VinDS (chuỗi siêu thị tổng hợp), VinPro (bán lẻ điện máy). Bên cạnh đó, đơn vị này cũng ra mắt thương hiệu thương mại điện tử “A Đây Rồi” để cùng các công ty con trong lĩnh vực bán lẻ khác mở rộng phạm vi hoạt động, tăng độ phủ trên thị trường.