4 chính sách giúp phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam

Hương Mi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang đề nghị xây dựng Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm quy định các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù đối với phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cho biết, trong thành tựu xuất khẩu của cả nước, ngành nông nghiệp đã góp phần rất lớn, là ngành duy nhất liên tục duy trì xuất siêu. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đạt nhiều kết quả trong xuất khẩu nông lâm thủy sản (nông sản), góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng của đất nước.

Năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu nông sản với tổng giá trị đạt 12,6 tỷ USD và liên tục tăng trưởng, đến năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53,01 tỷ USD gấp 4,2 lần năm 2007, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỉ USD, tăng 43,7% so với năm trước, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước. Bước sang năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54 - 55 tỷ USD. Tuy nhiên, kết thúc tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 11 tháng năm 2024 đã đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã vượt mục tiêu đề ra trong năm 2024.

viet-nam-can-xay-dung-nhan-hieu-nong-san-de-bao-ve-gia-tri-san-pham-20240320141046

Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn thời gian qua, trong các báo cáo của Quốc hội, Chính phủ đánh giá sản phẩm nông sản vẫn chưa có đầu ra ổn định, giá trị chưa cao mà một trong các "điểm nghẽn" là do chất lượng không ổn định và chưa có thương hiệu nông sản.

Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo, chính sách pháp luật hiện hành về xây dựng và phát triển thương hiệu hiện nay vẫn chung chung, phân tán, chưa phù hợp với đặc thù của sản phẩm nông nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khó ổn định chất lượng. Vì vậy, cần bổ sung văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) phù hợp cho xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia.

Thêm vào đó, theo Bộ NN&PTNT, qua kinh nghiệm triển khai trong thực tiễn, đánh giá chính sách pháp luật còn tồn tại, vướng mắc về việc đăng ký cho nông sản chủ lực quốc gia có gắn tên định danh "Việt Nam" khi cấp quyền sở hữu trí tuệ (Ví dụ trường hợp vừa qua còn gặp vướng mắc trong việc đăng ký bảo hộ đối với tên gọi "Cà phê Việt Nam chất lượng cao" do Hiệp hội Cà phê-Ca Cao là chủ đơn đăng ký). Trên thực tế, nhiều sản phẩm nông sản sau khi có nhãn hiệu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại chưa được khai thác sử dụng, chưa phát huy được giá trị để phát triển thành thương hiệu.

Hiện nay, nhiều quốc gia có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới đã xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản quốc gia như: Úc, Chile, Pháp, Peru, Hà Lan, Thái Lan, Colombia v..v. Có thể kể đến các nhãn hiệu, thương hiệu nông sản quốc gia thành công như: Thái Lan với sản phẩm gạo, lụa...; Colombia với Cà phê, hoa quả của Chi Lê (Fruit of Chile); Thương hiệu nông sản của Úc (Australian made, Australian Seafood)... đã góp phần định vị sản phẩm của các quốc gia này trên thị trường quốc tế, thể hiện được ưu thế về chất lượng, uy tín và những giá trị về văn hóa của các quốc gia đó được thể hiện trên sản phẩm; sức cạnh tranh và bảo vệ tài sản trí tuệ trên thị trường quốc tế trong bối cảnh hội nhập; nâng cao trách nhiệm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nông sản trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ thực tế trên, theo Bộ NN&PTNT, việc nghiên cứu trình Chính phủ ban hành "Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam" là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết, hoàn thiện cơ chế chính sách, quản lý nhà nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng, quảng bá và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam cả trong nước và quốc tế.

t3b-xay-dung-nhan-hieu-cong-dong-cho-nong-san-the-manh-tao-niem-tin-cho-nguoi-tieu-dung-3_20230725192404

Nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp

Theo Bộ NN&PTNT, việc xây dựng "Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam" nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng trong sản xuất, chế biến và chứng nhận sản phẩm đạt nhãn hiệu nông sản quốc gia giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng, được chứng nhận và cam kết truy xuất được nguồn gốc, là cơ sở để phát triển thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản.

Đảm bảo thị trường minh bạch, lành mạnh; tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quy định quy trình để áp dụng trong quản lý, vận hành các nhãn hiệu ngành hàng nông sản đã được đăng ký bảo hộ; là cơ sở pháp lý để đưa ra bộ tiêu chí cho các doanh nghiệp, sản phẩm được sử dụng (mang) nhãn hiệu ngành hàng nông sản.

Tăng cường công tác tư vấn, đào tạo, hợp tác quốc tế về phát triển Nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, nhất là đăng ký bảo hộ tại các thị trường quốc tế; quy định các cơ chế, chính sách cụ thể, đặc thù đối với xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam.

thi_truong_noi_dia

Đề xuất 4 chính sách

Để xây dựng "Nghị định về xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam", Bộ NN&PTNT đề xuất 4 chính sách bao gồm:

- Chính sách 1: Chính sách hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản;

- Chính sách 2: Chính sách hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản ở trong và ngoài nước;

- Chính sách 3: Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ sở hữu, đơn vị tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản;

- Chính sách 4: Chính sách hỗ trợ các chương trình truyền thông, quảng bá, phát triển thị trường.

Trong đó, chính sách hỗ trợ chuẩn hóa quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nhằm mục tiêu quản lý chặt chẽ chất lượng quy trình sản xuất, chế biến, bao gói, bảo quản...; tổ chức, đầu tư sản xuất quy mô lớn, sản lượng lớn, phát triển vùng nguyên liệu, ổn định; chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường; giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, đảm bảo sản phẩm an toàn và cam kết truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Nội dung của chính sách là quy định chính sách hỗ trợ về tín dụng và đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, xây dựng mô hình mẫu cho các tổ chức, cá nhân trong toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm đạt nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam, vùng, miền, địa phương.

Để thực hiện chính sách này, theo Bộ NN&PTNT, sẽ nghiên cứu, xây dựng, đưa tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng đối với sản phẩm nông sản được chứng nhận nhãn hiệu, thương hiệu Việt Nam, vùng miền, địa phương; bổ sung sản xuất sản phẩm nông sản đạt nhãn hiệu nông sản Việt Nam; vùng miền là lĩnh vực được ưu tiên đối với các chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp và nông thôn đã ban hành (kinh phí khoa học, khuyến nông; tín dụng, đất đai; các chính sách khác liên quan).

Đồng thời, bổ sung chính sách riêng, đặc thù cho đối tượng hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội, trang trại, hộ gia đình: Quy định hỗ trợ 100% xây dựng mô hình sản xuất tập trung theo quy mô lớn (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y được phép sử dụng).

Theo Bộ NN&PTNT, lý do lựa chọn chính sách do hiện nay, Việt Nam chưa xây dựng được nhiều nhãn hiệu, thương hiệu đủ mạnh cho các mặt hàng nông sản, một trong các vấn đề đặt ra là: Chưa chuẩn hóa qui trình sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản, bày bán đặc thù làm cơ sở định hình và duy trì lâu dài phẩm cấp xác định của sản phẩm theo các tiêu chí nhận diện thương hiệu; chưa có vùng sản xuất tập trung để có nguồn nguyên liệu đủ lớn và ổn định về chất lượng gắn với mã số vùng nuôi trồng, truy xuất nguồn gốc làm cơ sở cung ứng hàng hóa thường xuyên, ổn định về khối lượng, chất lượng cho người tiêu dùng.

Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị và góp ý tại đây.

Minh Hiển