Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết về hoạ sĩ Lê Thị Minh Tâm

Hương Mi
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã có góc nhìn mang tính nghệ thuật để nói về tranh của họa sĩ Lê Thị Minh Tâm. Dưới đây là nguyên văn những dòng chia sẻ của ông.

"Nghệ thuật như là một sự thổ lộ bản thân: (tôi không nói đến những kẻ giả vờ thổ lộ, những tên giả hình, bọn "búng ra sữa".)
Khi thổ lộ bản thân đấy là khi chúng ta không còn thiết tha tôn trọng mình nữa, chúng ta không còn đồng trinh, chúng ta đã thất tiết. Biết làm sao được, nhưng chúng ta phải lớn lên, chúng ta buộc phải từng trải.
Người nghệ sỹ thổ lộ: Hiển nhiên đấy là khi y đã trưởng thành, ý đủ khả năng "trình diễn" một cách ý thức, y đòi hỏi người ta tôn trọng ý đúng mực (nếu không đúng mực thì làm sao nào?).

hoa-si-1703592064.jpg
 


Khi thổ lộ bản thân thì bất kể câu chuyện nào cũng đều đượm chút khinh bỉ. Vì sao ư? Vì ta đang ở trên cao kể lại- nghĩa là ta đã từng thoát ra khỏi tình trạng vũng lầy, thoát ra khỏi vài ba tình trạng vũng lầy. Thế còn phía trước nào ai biết được?
khi thổ lộ bản thân trong nghệ thuật câu chuyện nào e rằng cũng đều bịa đặt. Vì sao vậy? Vì hình thức của nghệ thuật ấy quy định sự "bóng bẩy" hoặc "nên thơ", vì "toan", vì mầu vẽ, vì cả thời tiết...
Người nghệ sỹ trung thực nói
- "Tôi không bịa đặt?"
- "Vậy nghĩa là anh bất lực! Điều ấy còn tệ hơn bịa đặt!".

hoa-si2-1703592030.jpg
 


Sự thổ lộ khó khăn nhất (thực ra là đáng kể nhất) chính là sự thổ lộ các trạng thái tình dục. Nó là cửa tử của nghệ sỹ. Nhiều người không biết điều ấy hoặc biết thì lại lờ đi.
"Chúng ta chẳng dại gì đi vào cửa tử?" Đấy là bọn trung bình nói thế với nhau. Tất nhiên họ không nhận mình là trung bình, họ chỉ ưa nhận mình là khôn ngoan thôi.
Tất cả chúng ta đều sinh ra trong hoan lạc, trong ve vãn, rên rỉ, trong tình trạng trai lơ, điếm đàng hay một hình thức gì đại để như thế (hạnh phúc chăng?), một số ít ở trong tình trạng hoảng loạn (đấy là những kẻ bị xâm hại tình dục). Cái tội tổ tông ấy, cái "lý lịch" ấy thường người ta vẫn lờ đi, giấu nhẹm đi (vì chữ "hiếu", vì mặc cảm hay vì lịch sự?).
Thân tâm người đàn ông nào cũng có một tên đồi bại nằm khểnh trong "trái tim". Có vẻ như y bận rộn, y nhiều việc lớn, y phân tâm nên y chỉ làm mọi việc cho xong (nghĩa vụ đàn ông!). Không phải thế! Thực ra y yếu, y suy nhược! Người đàn ông nào cũng ám ảnh một nỗi lo sợ bất lực trong tình dục, phải chăng đấy là chỗ đã đẩy người ta đến tinh thần mực thước, tiết chế hoặc chừng mực? (Tiền khởi của việc dẫn đến tinh thần trung dung).

hoa-si1-1703592101.jpg
 

Sự tinh thần hoá nhục cảm, đúng hơn là sự tinh thần hoá tình dục (chỉ là tình dục thôi) đã được người ta gọi là tình yêu?
Chúng ta yên tâm là chúng ta đã được giáo dục tốt, thậm chí giáo dục quá tốt: nào gia đình, luật pháo, tôn giáo, nghệ thuật ("cầm, kỳ, thi, hoạ. Đủ mùi ca ngâm!"). Chúng ta là những con người xã hội chắc nịch. Thế con người tự nhiên ở đâu? Tôi không thấy!
Sự trở về tự nhiên trong nghệ thuật là gì, nếu không phải là sự miêu tả trực tiếp về tình dục, về các trạng thái hoan lạc, mệt mỏi hay lo âu, về sự biến hình muôn màu của nó? Chỉ có một số ít nghệ sỹ lờ mờ cảm thấy trong vô minh và hỗn độn, trong sự bất lực của bản thân mình.

hoa-si4-1703592114.jpg

hoa-si5-1703592128.jpg
 
 

Hội hoạ của Lê Thị Minh Tâm có cái gì tựa như một thứ nghệ thuật "tiểu thừa" về tình dục. Tôi ước một thứ tinh thần của nghệ thuật "đại thừa" giống như Phật giáo. Nhưng đòi hỏi ở Lê Thị Minh Tâm điều ấy là quá sức. Các hoạ sư bậc thầy ở trên thế giới cũng đã bó tay. Ở ta nhiều người thậm chí còn chẳng biết nó là gì (ngu si hưởng thái bình!) Thôi thì dù là một chút ít nghệ thuật "tiểu thừa" về tình dục cũng đã là đáng quý! Nó chứng tỏ hội hoạ ở ta đang thay đổi, xã hội ở ta đang thay đổi. Tôi xin chúc mừng nữ hoạ sỹ trẻ Lê Thị Minh Tâm.