Theo thông tin tại buổi tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, hiện nay, trên thị trường trong nước đang xuất hiện một nghịch lý. Đó là nhóm sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng… hiện chưa được phép nhập khẩu, nhưng các sản phẩm này lại vào Việt Nam qua con đường nhập lậu hoặc xách tay, được mua, bán dễ dàng và đang được sử dụng phổ biến trong xã hội, cộng đồng.
Điều này mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe của người dùng khi không được tiếp cận các sản phẩm chính danh, có nguồn gốc, chất lượng được thẩm định rõ ràng, từ đó tạo gánh nặng cho ngành y tế và toàn xã hội nói chung.
Về thực trạng sử dụng, buôn bán thuốc lá mới, theo WHO, sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng đều có chứa nicotine, nhưng khác nhau ở thành phần. Thuốc lá làm nóng có nguyên liệu thuốc lá trong điếu thuốc lá ngắn đặc chế. Thuốc lá điện tử thì có thành phần là dung dịch tinh dầu với khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa.
Căn cứ quy định tại các danh mục thì mặt hàng thuốc lá thế hệ mới chưa được định danh cụ thể tại danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và cũng không thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện hay bị áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương Cao Trọng Quý cho biết, việc kiểm soát chất lượng thuốc lá là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Với sản phẩm thuốc lá mới, dù chưa được cho phép thương mại hóa cũng như chưa thống nhất về cách thức quản lý song vẫn được bày bán trên thị trường chợ đen và hầu hết được nhập lậu. Lực lượng chức năng đã tăng cường phòng chống buôn lậu song “tình hình vẫn diễn biến phức tạp”, ông Quý xác nhận.
Ông Qúy cũng cho hay, đến nay, đã có 184/195 quốc gia đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng, 111/195 ban hành quản lý thuốc lá điện tử, trong đó có Mỹ, Anh, 28 nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Cơ chế quản lý với các thuốc lá này còn khác nhau giữa các nước, phần lớn áp dụng quy định theo Luật phòng chống tác hại thuốc lá của nước sở tại.
Về phía Bộ Công Thương đã có 2 lần trình Chính phủ nghị định về quản lý thuốc lá mới, song hiện vẫn chưa thống nhất với Bộ Y tế. Bộ Công Thương đang xây dựng nghị định theo hướng tiệm cận gần nhất với Bộ Y tế để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý cũng như thông lệ quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể về thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng). Phó Trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phân tích, tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định phạm vi điều chỉnh là “về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá”. Luật cũng giải thích từ ngữ “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.
Dù vậy, theo ông Nhưỡng, chúng ta vẫn đang có khoảng trống trong quy định pháp luật nên không có công cụ, phương tiện để quản lý thuốc lá mới, tức thiếu “điều kiện bảo đảm để chòng, chống tác hại của thuốc lá” theo quy định của Luật. Cùng với đó, quản lý thuốc lá mới đang gặp khó khăn trong nhận thức do vẫn chưa thống nhất, thiếu đầy đủ, còn thiên lệch khi mới tập trung vào việc làm thế nào để giảm bớt tác hại của thuốc lá mới mà chưa quan tâm đến tính tổng thể của hệ thống các quy định. Mặt khác, về thực tiễn, hiện cực phức tạp bởi nhu cầu của xã hội đã thay đổi. “Nếu chúng ta càng chậm ngày nào thì càng thiệt hại ngày đó”, ông Nhưỡng nhấn mạnh, hàm ý cần phải sớm có khung chính sách cụ thể cho quản lý thuốc lá mới.
Hương Mi