Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Sáng 21/11, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần xác định rõ việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh hóa đơn điện tử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của nền kinh tế, thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của doanh nghiệp, người nộp thuế.
Thực hiện hóa đơn điện tử vừa tiết giảm chi phí hành chính, vừa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn (big data) đặc biệt quan trọng không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với khu vực doanh nghiệp và nền kinh tế.
Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã lập kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai trước tại 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4-7/2022, triển khai tiếp tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử là nỗ lực của Bộ Tài chính và của ngành Thuế trong tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc kê khai, nộp thuế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công khai, minh bạch.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành thuế cần phải tăng cường thông tin, tuyên truyền về hóa đơn điện tử đến nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp về hóa đơn điện tử.
[Tổng cục Thuế: Mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử]
Theo Tổng cục Thuế, việc áp dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho doanh nghiệp, hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn. Hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí giấy, mực in, vận chuyển và đặc biệt chi phí lưu trữ hóa đơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp không phải lập báo cáo sử dụng hóa đơn. Cụ thể, dữ liệu từ hóa đơn điện tử được kết nối tự động với phần mềm khai thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không mất thời gian lập tờ khai thuế giá trị gia tăng. Hóa đơn điện tử có tính bảo mật cao vì sử dụng chữ ký số của người bán nên khả năng làm giả hóa đơn là khó.
Vì vậy, việc sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy (hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in) sẽ góp phần phát hiện sớm các gian lận phát sinh trong việc sử dụng hóa đơn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua, toàn ngành đã triển khai các nhiệm vụ, nội dung công việc nhằm sớm đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống.
Cụ thể như việc xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, hành lang pháp lý rõ ràng (Luật Quản lý thuế, Nghị định và Thông tư hướng dẫn); khẩn trương, quyết liệt triển khai chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Việc áp dụng thành công hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố giai đoạn 1 sẽ là tiền đề triển khai thành công trên toàn quốc.
Là một trong những địa phương đầu tiên tham gia triển khai hóa đơn điện tử, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trong giai đoạn vừa qua có 99% doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội thông báo phát hành hóa đơn điện tử. Với những lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại, đây không chỉ là công việc của cơ quan Thuế mà còn là công việc chung của các cấp, bộ ngành liên quan trên địa bàn thành phố.
Theo Chủ tịch thành phố Hà Nội thì đến thời điểm này, Thủ đô Hà Nội đã ở trạng thái sẵn sàng cho việc kích hoạt hóa đơn điện tử và cam kết sẽ đồng hành hỗ trợ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp để triển khai hóa đơn điện tử.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết hội nghị hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước để bảo đảm đạt được mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến ngày 30/6/2022.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành thuế cần xác định rõ việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Chính vì vậy, ngành thuế cần rà soát, hoàn thiện quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu số có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ phục vụ quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác.
Đáng chú ý, ngành thuế cũng phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử, nhất là phối hợp với ngành Ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng. Lãnh đạo các địa phương phải chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, tổ chức thực hiện hiệu quả trên địa bàn.
Đặc biệt, cơ quan thuế phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý hóa đơn điện tử, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới... kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm./.
Theo TTXVN