Tinh dầu tràm Huế: Thương hiệu vang bóng tìm đường ‘xuất ngoại’

Admin
Tinh dầu tràm là sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế, từng là sản phẩm tiến Vua. Thế nhưng, sau hàng trăm năm tồn tại, sản phẩm này hiện nay vẫn phải loay hoay tìm đường xuất ngoại.

Tinh dầu tràm là loại tinh dầu được chiết xuất từ cây tràm gió theo phương pháp chưng cất tinh dầu. Sản phẩm có mùi thơm dịu, dễ chịu, nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và là món quà không thể thiếu của mỗi du khách khi đến với Huế.

Ngày 3/12/2020, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4656/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00096 cho sản phẩm tinh dầu tràm Huế. Hội sản xuất và kinh doanh dầu tràm Huế là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Thương hiệu “vang bóng một thời”

Tinh dầu tràm Huế hiện nay chính là sự tiếp nối danh tiếng và kế thừa chất lượng, cùng phương pháp sản xuất vốn đã rất nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn.

Tương truyền, tổ nghề của tinh dầu tràm Huế là những người thợ nấu dầu sả từ Đàng Ngoài theo Chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa khai hoang. Tại đây, họ phải tìm kiếm ra những sản phẩm đặc trưng của Đàng Trong để tiến Vua. Sau khi nghiên cứu nhiều cây cỏ, những người thợ này phát hiện ra cây tràm có hàm lượng dầu rất cao và có dược tính.

Trong hơn 350 năm, từ khi Chúa Nguyễn Hoàng khai khẩn phương Nam, tinh dầu tràm luôn nằm trong danh mục các sản phẩm phải tiến Vua. Nơi khởi nguồn nghề chưng cất dầu tràm là ở chân đèo Phước Tượng thuộc xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Do đó, những người chưng cất dầu tràm nơi đây được coi là “cây đại thụ” trong nghề.

tinh dau tram - anh 1

 Tinh dầu tràm là một trong những sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

 

Vào những năm 30 của Thế kỷ XX, với danh tiếng là sản phẩm tiến Vua, dầu tràm Huế đã trở thành một sản phẩm thương mại nổi tiếng. Một người có xuất thân hoàng tộc đã đặt nền móng cho việc thương mại hóa sản phẩm này, với việc mở ra hơn 3.000 đại lý buôn bán tinh dầu tràm tới tất cả các nước Đông Dương.

ThS. Ngô Thuần - Chủ nhiệm dự án “Quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế” nhận định, đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với cây tràm nên Thừa Thiên Huế là địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất tinh dầu tràm đạt hàm lượng tinh dầu cao, chất lượng tốt hơn so với các vùng khác.

Ngoài điều kiện địa lý tự nhiên, lý do tinh dầu tràm Huế vẫn luôn giữ được danh tiếng và chất lượng còn là do phương pháp sản xuất được lưu truyền từ nhiều thế hệ. Trong đó công đoạn thu hoạch nguyên liệu, thời gian nấu tràm nguyên liệu và quá trình gia nhiệt là công đoạn quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới tính ổn định về chất lượng tinh dầu tràm.

Không chỉ tiếp nối truyền thống nấu dầu tràm để lưu giữ nghề ông cha, người dân Huế còn liên tục đúc kết kinh nghiệm sản xuất, phát huy sáng tạo để sản phẩm có chất lượng ngày một nâng cao, đáp ứng các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe của con người trong giai đoạn mới.

Điển hình, việc chuyển từ nấu sang chưng cất đã tạo ra sản phẩm tinh dầu tràm với hàm lượng dược chất cao hơn hẳn sản phẩm thời xưa, đặc biệt là hàm lượng Cineol (từ 40 - 60%).

Hiện nay trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh tinh dầu tràm với hơn 60 lò chưng cất, sản lượng tinh dầu khoảng 16.000 lít/năm, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Phú Lộc và Phong Điền.

Đường xa khó đi

Thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực xây dựng hướng đi bền vững, thúc đẩy quảng bá, phát triển thương mại cho sản phẩm tinh dầu tràm Huế. Thế nhưng, dù đã có kế hoạch phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu, đến nay sản phẩm này vẫn chưa phát triển tương xứng.

Một sản phẩm muốn phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao phải được biết đến rộng rãi, đặc biệt cần xuất hiện nhiều ở các thành phố lớn, như Đà Nẵng, TP.HCM,... Nhưng dường như tinh dầu tràm chỉ “loanh quanh” trong nội địa tỉnh Thừa Thiên Huế. Một số lượng nhỏ dù đã ra khỏi dãy Hải Vân, tiến vào khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, thậm chí ra cả thế giới nhưng lại phát triển èo uột, manh mún.

Thực tế, nguyên liệu và chất lượng là 2 yếu tố lớn cản trở “đường xuất ngoại” của tinh dầu tràm.

tinh dau tram - anh 2

Một số tour du lịch đã kết hợp đưa khách tham quan cơ sở chưng cất tinh dầu tràm để khách không mua phải hàng giả, nhái, kém chất lượng.

Hiện nay tình trạng hàng nhái, hàng giả trà trộn vào thị trường, cạnh tranh với những sản phẩm chất lượng ngày càng nhiều. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất tinh dầu tràm truyền thống còn hạn chế trong khâu quảng bá, dẫn đến không có đầu ra. Sản phẩm làm ra chủ yếu chỉ bán ở những cơ sở nhỏ lẻ, bán dọc đường.

Ông Trần Văn Lực - Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh (SX&KD) tinh dầu tràm Huế cho biết các cơ sở sản xuất tinh dầu tràm ở Huế còn mang tính truyền thống, nhỏ lẻ. Mặt khác, theo quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), ngoài cao dầu tràm thì tinh dầu tràm là hàng hóa nguy hiểm thuộc loại chất lỏng dễ cháy, nên không thể vận chuyển theo đường hàng không để xuất khẩu.

Thực tế, để đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu xuất ngoại, cần có một quỹ đất lớn để đáp ứng được vùng nguyên liệu. Đồng thời phải cải tiến kĩ thuật sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của mỗi nước.

Tuy nhiên, tỉnh hiện không có vùng sản xuất tinh dầu tràm tập trung, khai thác chủ yếu dựa vào tự nhiên, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều. Quan trọng hơn là chưa có tổ chức thống nhất quản lý để cùng hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, mức liên kết hiện chỉ dừng ở hợp tác xã, tổ hợp tác, hội sản xuất,...

Cải tiến sản xuất, mở rộng quy mô

Tinh dầu tràm là 1 trong 18 sản phẩm chủ lực của Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025. Để xây dựng hướng đi bền vững cho tinh dầu tràm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều chính sách, chủ trương cần thiết.

Theo kế hoạch Phát triển vùng nguyên liệu sản xuất dầu tràm Huế đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu xây dựng khoảng 473ha vùng nguyên liệu sản xuất tinh dầu tràm. Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nhằm ổn định đời sống cho người dân từ việc trồng, sản xuất và chế biến tinh dầu tràm.

Ông Trần Văn Lực - Chủ tịch Hội SX&KD tinh dầu tràm Huế cho biết thêm, bên cạnh nỗ lực mở rộng thị trường, hiện nay để hạn chế các sản phẩm tinh dầu tràm giả trên thị trường, các hợp tác xã, Hội đã thực hiện chủ trương cho khách du lịch tham quan, trải nghiệm các công đoạn chế biến tinh dầu tràm.

“Du khách có thể mua sản phẩm trực tiếp tại xưởng. Đồng thời, chúng tôi xây dựng, quản lý, chứng nhận cho các cơ sở bán lẻ tinh dầu tràm đạt chuẩn trên địa bàn, tránh sự trà trộn của các sản phẩm giả mạo”, ông Lực nói.

Tại HTX tinh dầu tràm Lộc Thủy, ông Trương Viết Đính - Giám đốc HTX cho biết các thành viên thời gian qua luôn trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cải tiến mẫu mã, kĩ thuật chế biến, đặc biệt là quy hoạch các vùng nguyên liệu chất lượng cao.

Về phía chính quyền địa phương, Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tham mưu, hướng dẫn hỗ trợ về đổi mới công nghệ sản xuất tinh dầu tràm.

Sở Công thương kết nối quảng bá xúc tiến thương mại trên toàn quốc và cả quốc tế. Việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần tạo ra tính bền vững cho tinh dầu tràm Huế.

Trước đó, Sở KHCN phối hợp với UBND huyện Phú Lộc đã công bố chuẩn kỹ thuật địa phương đối với tinh dầu tràm Huế. Theo đó, các cá nhân tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm dầu tràm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phải đảm bảo những quy chuẩn đã công bố về mùi, vị, màu sắc và các chỉ tiêu về vật lý, hóa học.

Theo Sở hữu trí tuệ