Năm 2023, các nền kinh tế lớn, trong đó cả những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Theo bà Jolie Nguyễn - Chủ tịch LNS International Corporation, theo số lượng thống kê, số lượng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài khoảng 7 triệu người, trong đó Mỹ chiếm đến hơn 3 triệu người. Điều này cho thấy Mỹ là thị trường tiềm năng khi nhu cầu món ăn Việt của kiều bào nước ngoài ngày càng tăng cao, đặc biệt là đặc sản vùng miền.
Ngoài ra, thị trường Mỹ cũng là một thị trường mở, luôn chào đón tất cả các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp startup. Họ tuân thủ theo các quy định của USDA, FDA. Mỹ có nhiều siêu thị, cửa hàng chuyên biệt cho những nông sản.
"Trong một năm qua, chúng tôi đã nhập khẩu hơn 300 đặc sản Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi nhận ra người Việt ở Mỹ cởi mở, dễ đón nhận điều mới, nhất là những sản phẩm mang tính gợi nhớ về quê hương, tuổi thơ. Đây chính là một trong những lợi thế của các doanh nghiệp startup xuất khẩu", bà Jolie Nguyễn nói.
Theo Chủ tịch LNS International Corporation, khoảng cách địa lý là nguyên nhân khiến doanh nghiệp startup mất lợi thế về thời gian và chi phí vận chuyển. Trong quá trình vận chuyển, việc bảo quản làm sao để khi đến tay người tiêu dùng sản phẩm vẫn đạt chất lượng tốt nhất là khó khăn rất lớn.
"Doanh nghiệp startup chưa chú trọng thị trường nước ngoài, tiêu chuẩn chỉ hướng đến thị trường trong nước nên khi muốn xuất khẩu phải hoàn chỉnh lại nhiều tiêu chuẩn. Vì vậy, sản phẩm thường bị cạnh tranh rất nhiều với những mặt hàng cùng loại, nhất là những quốc gia được Mỹ bảo hộ", bà Jolie Nguyễn chia sẻ.
Là doanh nghiệp đầu tiên đóng gói cháo bột cá lóc của Quảng Trị đem đi xuất khẩu, anh Nguyễn Đức Nhật Thuận - Founder thương hiệu Cà Mèn - cho biết ban đầu các sản phẩm của Cà Mèn được làm khá thủ công. Từ sau lễ ký kết với LNS vào hồi tháng 6/2023, Cà Mèn đã dần chuyên nghiệp hóa hệ thống máy móc nhưng vẫn cố giữ hương vị truyền thống quê hương.
Bên cạnh đó, nhờ câu chuyện xuất chính ngạch đi Mỹ, Cà Mèn cũng có cơ hội được kết nối với các đối tác là các nhà xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng đi các thị trường như Canada, Singapore, Úc, New Zealand. Với riêng LNS, nhờ hiệu ứng của các sản phẩm của Cà Mèn tại thị trường Mỹ, hiện tại hai bên cũng đang xúc tiến để ký kết thêm các thị trường mới đầy tiềm năng như Nhật Bản, châu Âu.
"Tính tới thời điểm hiện tại, Cà Mèn đã liên kết với các HTX bằng việc tiêu thụ đầu ra là sản phẩm của nông nghiệp như cá lóc, lươn, gạo, tiêu, ớt bột, ném, nước mắm. Hơn 50 bà con nông dân có được việc làm với thu nhập ổn định hàng tháng từ việc hợp tác với Cà Mèn. Chúng tôi đặt mục tiêu con số đó sẽ lớn hơn gấp nhiều lần trong thời gian sắp tới.
Chúng tôi nỗ lực mỗi ngày không chỉ cho riêng bản thân mình mà còn hỗ trợ cho bà con nông dân, quảng bá món đặc sản của quê hương Quảng Trị đến với bạn bè khắp muôn phương, tinh thần đó đã giúp Cà Mèn có đủ động lực để vượt qua nhiều khó khăn của đời khởi nghiệp", anh Nguyễn Đức Nhật Thuận - Founder thương hiệu Cà Mèn chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, Việt Nam là quốc gia có lợi về nguồn nguyên liệu nông sản, đặc sản. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có nhiều chính sách đặc thù hơn để thúc đẩy đầu tư khởi nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.
Đặc biệt, năng lực xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp khởi nghiệp là yếu tố rất quan trọng để xuất khẩu thành công. Các doanh chuẩn hóa quy trình từ đầu, có chiều sâu về chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, truyền thông thương hiệu,...
"Thời gian tới, thị trường sẽ có sự dịch chuyển từ đó dẫn đến dịch chuyển luồng hàng hóa. Tất cả startup đứng trong bối cảnh tưởng khó khăn nhưng cũng là cơ hội để tìm kiếm luồng thị trường mới, theo xu hướng dịch chuyển xuất khẩu", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trần Ân