Quảng Ninh: Phát huy vai trò của người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế

Hương Mi
Những năm qua, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phát động và triển khai hiệu quả phong trào thi đua "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi", là một nội dung trong phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao - Gương sáng" của Trung ương Hội NCT Việt Nam.

Đến hết năm 2023 tỉnh có 189.000 NCT, chiếm 13% dân số toàn tỉnh, trong đó 144.940 người là hội viên hội NCT, sinh hoạt tại 1.443 chi hội thôn, bản, khu phố thuộc 177 hội NCT xã, phường, thị trấn; có 70% NCT đang tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực.

1

Lãnh đạo huyện Tiên Yên trao giấy khen cho các cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2018-2023.

Theo số liệu được công bố tại Hội nghị biểu dương NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi tỉnh lần thứ IV, giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh có 2.140 NCT là chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, HTX, hộ kinh doanh. Lĩnh vực nông nghiệp có 932 người; lĩnh vực công nghiệp xây dựng có 280 người; tiểu thủ công nghiệp có 276 người; thương mại dịch vụ có 476 người; các lĩnh vực làm kinh tế khác có 437 người... Đến tháng 6/2024 có 3.701 NCT tham gia phong trào thi đua "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi"; trong đó có 1.232 NCT là chủ trang trại, chủ doanh nghiệp.

Ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban Đại diện Hội NCT tỉnh, cho biết: Điểm nổi bật của những NCT làm kinh tế giỏi là ý chí, nguyện vọng, nghị lực, tâm huyết và kinh nghiệm sống. Đa số họ từ nghèo khó vươn lên, có người ra Quảng Ninh từ thời bé theo gia đình đi xây dựng kinh tế mới ở Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà, Đầm Hà. NCT làm giàu không giới hạn về tuổi tác, có nhiều người gần 80 tuổi "còn sức khỏe còn lao động, còn trí tuệ còn cống hiến", tìm cách khai thác tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, gia đình, bản thân để phát triển kinh tế, đầu tư khá toàn diện trên các lĩnh vực.

NCT làm kinh tế không chỉ là làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn trở thành tấm gương sáng cho con cháu và cộng đồng về giá trị của lao động, sự sáng tạo, học hỏi không ngừng, tinh thần vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh giảm gánh nặng cho xã hội, lực lượng NCT làm kinh tế giỏi đã có đóng góp rất lớn trong thực hiện chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng NTM, chương trình OCOP của tỉnh.

2

Ông Chíu Dì Sếnh (bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) (giữa) giới thiệu sản phẩm OCOP Rượu khoai Quảng Lâm của gia đình.

Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương và của tỉnh, ông Chíu Dì Sếnh (SN 1960), hội viên Hội NCT bản Tài Lý Sáy (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà), đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cây keo tai tượng sang trồng cây quế (bình quân mỗi năm trồng 1,7ha). Ông còn xây dựng một nhà xưởng sản xuất “Rượu nông sản”, quy mô 325m2, công suất chưng cất 50.000 lít/năm, trong đó có thương hiệu “Rượu khoai Quảng Lâm” là sản phẩm thuộc chương trình OCOP, hằng năm tiêu thụ trên 30 tấn khoai lang trong huyện...

Ông Chíu Dì Sếnh chia sẻ: Từ sản xuất, chưng cất rượu có một lượng bã thải bỏ đi rất lãng phí, có thể gây ô nhiễm môi trường. Ông đã bàn với gia đình đầu tư xây dựng 2 dãy chuồng chăn nuôi lợn thương phẩm từ 100-120 con/lứa, giúp tiêu thụ toàn bộ số bã thải sau chưng cất rượu. Ông còn xây dựng hầm bioga 25m3 để xử lý chất thải từ chăn nuôi, tạo ra một lượng khí đốt phục vụ sinh hoạt, phân bón hữu cơ cho khoảng 2ha cây trồng, tăng năng suất, chất lượng nông sản. Hằng năm ông có một nguồn thu nhập ổn định, tạo công ăn, việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động nhàn rỗi ở nông thôn.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "Người cao tuổi làm kinh tế giỏi", trong 5 năm tới Hội NCT tỉnh đã đề ra nhiều mục tiêu, định hướng. Đáng chú ý là gắn phong trào với việc tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, số hóa; khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, miền, nhất là lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ du lịch, là những lợi thế về kinh tế của tỉnh; thúc đẩy liên kết giữa các mô hình sản xuất, kinh doanh để tăng cường đoàn kết, giúp đỡ những NCT khác làm kinh tế giỏi. Hằng năm Hội tổ chức các buổi tọa đàm, gặp mặt, hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm, giúp các hộ NCT học tập lẫn nhau, động viên khích lệ NCT tham gia phong trào; nắm bắt những nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của NCT làm kinh tế, để kịp thời báo cáo, phản ánh với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết.

Đỗ Hùng