Cụ thể, Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã tiến hành kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh đồng hồ nổi tiếng trên đường 3 tháng 2, quận 10, TP. HCM. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hầu hết các cửa hàng kinh doanh sản phẩm là hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Qua kiểm tra 6 cửa hàng, cơ quan chức năng đã tạm giữ khoảng 1.200 chiếc đồng hồ các loại. Tất cả đều không có chứng từ mua bán. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ các cửa hàng kinh doanh đồng và nhân viên đều thừa nhận, mua hàng trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc để bán lại thu lợi nhuận bất chính.
Theo Cục Quản lý Thị trường TPHCM, trong thời điểm cuối năm, công tác kiểm soát, xử lý hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ được đẩy mạnh tăng cường nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Có thể thấy, thị trường đồng hồ chính hãng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM hiện đang bị lũng đoạn bởi những chiếc đồng hồ fake. Có một thực tế là trong những năm qua, hàng loạt cửa hàng, công ty mang tên phân phối đồng hồ chính hãng đua nhau nở rộ, nhưng chất lượng sản phẩm thì không phải nơi nào cũng giống nơi nào.
Vô tình hay cố ý, người tiêu dùng Việt Nam đang hàng ngày tiêu thụ lượng lớn đồng hồ nhái, giả. Nhiều sản phẩm nhái tinh vi đến mức có thể qua mặt cả những chuyên gia lâu năm trong nghề chứ đừng nói người tiêu dùng thông thường.
Và không phải tự nhiên đồng hồ 'rởm' tại Việt Nam lại có đất sống. Nó bắt nguồn từ tâm lý và thói quen của người tiêu dùng. Đầu tiên, đó là nhu cầu ngày càng tăng cao. Đồng hồ ngày nay không chỉ làm nhiệm vụ báo giờ mà còn là món phụ kiện thể hiện phong cách, cá tính không thể thiếu cho cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi. Chiếc đồng hồ một phần nào đó thể hiện sự thành công và vị trí xã hội của người đeo.
Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng chủ động chọn mua đồng hồ giả bởi tâm lý trọng hình thức nhưng ham của rẻ, muốn sở hữu đồng hồ có tiếng nhưng không đủ tiền. Nhu cầu có nhưng tài chính không đủ, nhiều người mua đồng hồ giả các thương hiệu Thụy Sĩ như Rolex, Omega, Longines, Tissot... để thỏa mãn nhu cầu bản thân.
Thậm chí, nhiều người có thói quen nhìn vào giá cả và giấy tờ tem mác để đánh giá chất lượng sản phẩm, nhưng chính cái giá trên trời và giấy tờ có vẻ chuyên nghiệp đó lại đánh lừa họ. Đồng hồ nhái được nhập với giá chỉ vài chục cho đến vài trăm ngàn đồng, nhưng khi bán ra thì con số đó đã đội lên đến hàng chục lần.
Liên quan đến vấn đề hàng giả, hàng nhái, Luật sư Tạ Anh Tú - Công ty luật TNHH An Quốc Law cho biết hành vi kinh doanh “hàng xách tay” không xuất hóa đơn là có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa trốn thuế, nhập lậu. Chiếu theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hàng hóa nhập lậu bao gồm:
“…c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;
d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;
đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.”
Chưa bàn đến chất lượng, bảo hành các dòng sản phẩm như thế nào nhưng việc bày bán các sản phẩm đồng hồ tại hàng loạt cửa hàng lớn như trên có nhiều vấn đề cần làm rõ về thuế, nguồn gốc xuất xứ...
Theo Sở hữu trí tuệ