Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Tối ngày 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ, trong đó đưa ra thông điệp: Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về 0%, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để Việt Nam mua hàng hóa của Hoa Kỳ theo nhu cầu; đồng thời tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng cho biết, ngay trong đêm 5/4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ lên đường công tác tại Hoa Kỳ, vì vậy, cuộc họp cần chuẩn bị danh sách các mặt hàng cần đàm phán để đưa thuế suất về 0%.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, mức thuế áp dụng rộng với 46% sẽ tác động trực tiếp đến xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mức thuế này có thể làm sụt giảm từ 30 – 40 tỷ USD đối với 16 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ.

Việc Mỹ áp thuế cao cũng khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam giảm sút. Bên cạnh đó, các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá sẽ trở nên gay gắt và phức tạp hơn.
Việt Nam có thể phải giảm thuế cho nhiều sản phẩm của Mỹ, nhất là các sản phẩm nông nghiệp; mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, tạo ưu đãi cho Mỹ trong việc tham gia các dự án cụ thể tại Việt Nam.
Việt Nam cũng có thể yêu cầu Mỹ giảm thuế tương ứng cho các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của chúng ta – 16 danh mục chính, chiếm khoảng 91–92% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.
Trước tình hình thực tế, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu kỹ các chính sách của Hoa Kỳ để có đối sách phù hợp. Mục tiêu tổng thể, mục tiêu chiến lược vẫn phải ổn định đất nước, ổn định khu vực, góp phần ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển nhằm đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc, hạnh phúc cho nhân dân.
"Ngoài các giải pháp cụ thể. Thứ nhất là thực hiện Nghị quyết 59 mạnh mẽ hơn nữa. Giải pháp thứ 2 là: tư tưởng của chúng ta là càng khó khăn, thách thức thành cơ hội. Càng áp lực thì càng có động lực. Tìm sự cân bằng thương mại giữa hai nước. Phục vụ lợi ích của hai nước nói chung, trong đó có nhân dân hai nước. Tìm kiếm các mặt hàng ta có nhu cầu để tăng cường nhập khẩu", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính rà soát những sắc thuế hướng đến thỏa thuận cấp cao giữa 2 nước. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tiếp tục rà soát các loại mặt hàng có thể nhập khẩu. Đối với đoàn đàm phán có kế hoạch, đề án cụ thể. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chắp nối, khâu nối cho đoàn đàm phán. Trước mắt, thương thảo danh mục giảm thuế. Phối hợp trong và ngoài nước để đàm phán hiệu quả, thực chất. Trong quá trình đàm phán phải khôn khéo, mềm dẻo, đặc biệt lưu ý đến các quan hệ khác, tránh gây ra những phức tạp. Kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa, thương hiệu và bản quyền.
Về các nhiệm vụ giải pháp lâu dài Thủ tướng nhấn mạnh tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững; xanh; số hóa, kinh tế sáng tạo, kinh tế tuần hoàn; tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tập trung vào thị trường tiềm năng... phấn đấu giữ mục tiêu tăng trưởng của năm nay là 8% trong năm nay và 2 con số những năm tiếp theo.
Phạm Tuấn