Những thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại dịp cuối năm

Admin

Mạo danh công an đe doạ khởi tố

Theo cơ quan chức năng, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng vẫn có người sập bẫy của các đối tượng.

Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân lo sợ bị mất uy tín nên có trường hợp không trình báo với cơ quan Công an, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

Cụ thể, thủ đoạn lừa đảo là các đối tượng mạo danh lực lượng Công an đang điều tra các vụ án (tham nhũng, rửa tiền, ma túy,…).

gia mao lua dao

 

 

Chúng chủ động liên hệ với một số cá nhân có liên quan đến các vụ án này để yêu cầu trình diện cơ quan Công an, đe dọa khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm giam để điều tra.

Từ đó, các đối tượng đề nghị nạn nhân nếu không muốn bị khởi tố, tạm giam thì phải cung cấp các thông tin như: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, số dư… để thanh tra tình hình tài chính.

Sau khi có được thông tin, đối tượng sẽ gửi 1 mã và đề nghị các nạn nhân đăng nhập vào trang website, khai báo các thông tin cá nhân và chọn mục hủy xác nhận OTP (phương thức bảo mật của ngân hàng khi thực hiện giao dịch).

Sau khi có được thông tin cần thiết, các đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Từ việc trên, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hoạt động giả mạo cơ quan nhà nước, lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, xâm hại quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tích cực tuyên truyền nâng cao cảnh giác và hướng dẫn nhân dân sớm phát hiện, tố giác các hành vi phạm tội này.

Mạo danh Cục Viễn thông đòi khóa thuê bao di động

Tiếp nối trò lừa đảo mạo danh Bộ Công an và các cơ quan điều tra để đe dọa người dân liên quan tới vi phạm hình sự để lừa tiền, mới đây kẻ gian tiếp tục "đổi bài" và săn tìm những nạn nhân mới. Theo phản ánh của người dùng dịch vụ di động, một số trường hợp nhận được cuộc gọi từ số lạ mạo danh Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông... và đe dọa sẽ khóa 2 chiều SIM điện thoại của họ.

Mục đích của chiêu trò đánh vào tâm lý người dùng này nhằm thu thập những thông tin cá nhân quan trọng như số căn cước công dân (CCCD), họ tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh, quê quán...

Giả mạo nhân viên cửa hàng, công ty xổ số,...

Hành vi giả mạo nhân viên cửa hàng, nhân viên sổ xố gọi điện cho người dân, lấy lý do người dân là một trong số những khách hàng may mắn trúng giải thưởng cao của một chương trình nào đó và nếu người dân muốn nhận được phần thưởng này thì người dân sẽ phải chuyển một số tiền dùng để đóng thuế, dùng để trả tiền phí vận chuyển;... để có thể nhận được phần thưởng này.

Giả danh ngân hàng gửi tin nhắn, gửi email, gọi điện thoại,... để gợi ý, mời chào những ưu đãi khi thực hiện các khoản vay online

Đối với hành vi này, chúng sử dụng thủ đoạn là thực hiện người dân làm các thủ tục vay, mở tài khoản online,... Sau khi người dân nhẹ dạ, cả tin, thực hiện các thủ tục vay theo hướng dẫn của chúng thì chúng sẽ yêu cầu người dân xác nhận phê duyệt khoản vay. Để có thể hoàn tất thủ tục hoàn vay, người dân phải nộp các khoản lệ phí và chúng sẽ chiếm đoạt các khoản lệ phí đó.

Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trung tướng Tô Ân Xô khuyến cáo: người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn phạm tội.

Riêng về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở...

Theo Sở hữu trí tuệ