Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu 'sập bẫy' lừa đảo và 'mất trắng'

Hương Mi
Trong thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều lời cảnh báo được đưa ra nhưng cho đến nay vẫn có nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu "sập bẫy" lừa đảo và “mất trắng” vì cả tin, chủ quan.

Doanh nghiệp dễ "mất trắng" vì không tìm hiểu kỹ đối tác

Ngày 16/8, Bộ Công thương đã ra thông báo về việc một doanh nghiệp Việt Nam có dấu hiệu mất trắng gần 80.000 USD tiền đặt cọc khi giao dịch mua bán với đối tác Pakistan.

Cụ thể, theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, hồi tháng 5/2024, công ty xuất khẩu Việt Nam nhận được thư chào hàng nguyên liệu thủy sản chất lượng cao với giá hấp dẫn từ đối tác tại Pakistan. Sau khi kiểm tra và đánh giá doanh nghiệp Pakistan là một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn và có uy tín, công ty xuất khẩu Việt Nam lập tức ký hợp đồng và chuyển 5.000 USD tiền đặt cọc.

Sau đó, nghi ngờ độ tin cậy của khách hàng, tháng 6/2024, doanh nghiệp Việt gửi thư đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ hỗ trợ. Sau khi tìm hiểu thông tin thì được biết, đại diện phía công ty của Pakistan ký hợp đồng đặt cọc với doanh nghiệp Việt là giả mạo và đây là một hành vi lừa đảo bằng cách mở tài khoản mang tên công ty Pakistan trái phép.

0634_123

Trung Đông là thị trường tiềm năng nhưng cũng chứa nhiều rủi ro, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt sau đó lại tiếp tục giao dịch với đối tác giả mạo. Tháng 8/2024, doanh nghiệp Việt tiếp tục gửi thư đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ hỗ trợ về hợp đồng với mua 1 container cá mú chất lượng cao trị giá 81.900 USD (hiện đã thanh toán 71.900 USD). Đối tác đã giao hàng, nhưng sau đó không gửi chứng từ giao hàng và cắt đứt liên lạc.

Sau khi Bộ phận Thương vụ Việt Nam liên hệ với đại diện Công ty phía Pakistan thì được biết, công ty này không nhận được số tiền 71.900 USD của doanh nghiệp Việt Nam. Hiện đối tượng lừa đảo đã rút hết số tiền này ra khỏi tài khoản.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ, đã có rất nhiều vụ việc lừa đảo xảy ra trong thời gian qua, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nước ta. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn rất chủ quan trong quá trình giao dịch, mua bán hàng hóa.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt San - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cho hay, từ năm 2019 đến nay, chúng tôi phải giải quyết rất nhiều vụ việc doanh nghiệp xuất nhập khẩu nước ta bị lừa đảo khi giao thương. Đặc biệt là ở các thị trường Trung Đông, Châu Phi. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chủ yếu lập những website giả mạo, quảng bá sản phẩm. Thậm chí, có địa chỉ văn phòng đại diện, trụ sở công ty ở châu Âu, châu Mỹ để doanh nghiệp Việt Nam tin tưởng nhưng thực chất đều là giả.

Còn theo ông Dương Hoàng Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã bị các đối tượng thông qua website giả mạo để chào hàng với giá rẻ. Doanh nghiệp Việt chưa tìm hiểu kỹ thông tin đã ký hợp đồng nhập khẩu với các điều khoản lỏng lẻo và thường đặt cọc trước.

Hồi tháng 7, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) đã thông tin về một doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu lô hàng nhựa PET trị giá hàng hóa khoảng 500.000 USD từ UAE nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo. Doanh nghiệp này đã nhận hàng, tuy nhiên phát hiện trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15% so với hóa đơn chứng từ. Trước đó cũng có 5 container hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi giá trị gần nửa triệu USD bị lừa đảo tại thị trường Dubai.

Cần tỉnh táo để tránh "sập bẫy"

Thị trường Trung Đông chứa đựng nhiều rủi ro buộc doanh nghiệp khi giao thương cần thận trọng. Theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, hiện nay doanh nghiệp Việt đã có nhiều cơ hội để tìm kiếm đối tác, nhất là thuận tiện khi kết nối qua internet. Tuy nhiên, thương mại toàn cầu ngày càng khó khăn và nhiều rủi ro. Các đối tượng lừa đảo ngày càng lợi dụng công nghệ tiên tiến, tinh vi khiến đối tác dễ bị "sập bẫy". Doanh nghiệp Việt đã gặp không ít rủi ro, bị lừa đảo và tổn thất nặng nề.

"Chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp, sau khi tìm kiếm được đối tác thông qua mạng trực tuyến nên trao đổi với tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài để được xác thực, xác minh thông tin trước khi kí hợp đồng", ông San nhấn mạnh.

"Với hàng hóa, có rất nhiều quy định liên quan tới chất lượng sản phẩm đòi hỏi người bán phải thực hiện. Nếu bên bán không nắm vững được yếu tố đó, vẫn tiến hành ký kết hợp đồng đến khi hàng được chuyển lên tàu, đến cảng nhập khẩu thì nguy cơ hải quan không cho thông quan vì không đáp ứng điều kiện nước nhập khẩu. Lúc này tranh chấp chắc chắn xảy ra", Luật sư Trần Ngọc Trung lưu ý. Bên cạnh đó, ở những trường hợp khác thì trong hợp đồng mua - bán, doanh nghiệp cần có các điều khoản cụ thể ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý, tránh các trường hợp lừa đảo hoặc chậm thanh toán.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt đa số có quy mô tài chính nhỏ chưa chú trọng đầu tư nhiều cho vấn đề pháp lý nên không muốn chi trả cho luật sư. "Trong giao dịch thương mại quốc tế, doanh nghiệp cần lưu ý về thẩm định. Không lơ là, chủ quan, cả tin mà thẩm định rõ ràng thông tin đối tác bằng nhiều con đường. Về lâu dài, để hạn chế rủi ro và sẵn sàng có kịch bản hành động, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực nội tại và nhờ sự giúp đỡ của các đơn vị tư vấn pháp lý, nghiệp vụ trong ngành hàng".

TH