HTX Tinh Hoa Farm ở phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có hơn 2 ha trồng dưa lưới và sản xuất cây giống rau các loại, mỗi năm đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.
Tăng cường kết nối cung cầu
Hiện nay, Bình Thuận có 201 HTX trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế với nguồn vốn hoạt động trên 3.000 tỷ đồng, thu hút trên 50.000 thành viên tham gia, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 156 HTX. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bình Thuận đã có hơn 30 HTX tham gia vào các chuỗi liên kết để tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa ngày một lớn hơn, có chất lượng, có giá trị kinh tế cao hơn.
Nhiều sản phẩm của HTX đã được đánh giá sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Đặc biệt, 25 quỹ tín dụng nhân dân được trải đều rộng khắp trên các địa phương trong tỉnh đã phát huy hiệu quả, không chỉ hỗ trợ tích cực cho các thành viên trong cuộc sống và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn góp phần cùng chính quyền đẩy lùi tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen.
Tuy nhiên, ông Hồ Công Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận cho rằng, đa số HTX có quy mô nhỏ, ít vốn, trang thiết bị lạc hậu, chưa xây dựng được chuỗi liên kết bền vững… Một số HTX chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa thành viên với thị trường, sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên vẫn còn mờ nhạt… Đây là những hạn chế cố hữu mà Liên minh HTX tỉnh đã nhận thấy và đang tìm kiếm giải pháp để cùng các cấp, các ngành tháo gỡ.
Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng cho biết: Tiêu thụ sản phẩm là một trong những hoạt động dịch vụ quan trọng nhất của HTX nhằm giúp thành viên khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”. Liên minh HTX có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng trong việc hỗ trợ HTX tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Liên minh HTX với các HTX cũng hết sức quan trọng trong việc mang lại hiệu quả trong việc xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, bản thân các HTX và các thành viên cần nhận ra tầm quan trọng trong việc gắn kết thành viên với nhau và tổ chức sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, giúp các thành viên gắn việc sản xuất với định hướng chung của HTX.
Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc cho rằng, Liên minh HTX cần tăng cường công tác thông tin, truyên truyền các sản phẩm của HTX thông qua các hội chợ, hội nghị, hội thảo, triển lãm…; tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, đồng thời cải tiến, nâng cao chất lượng website, các trang mạng điện tử để HTX liên kết trực tuyến, giúp HTX và các doanh nghiệp có cơ hội mua bán, trao đổi hàng hóa…
Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, bà Võ Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tây Ninh cho biết: Liên minh HTX cần tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới để phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng mô hình HTX kiểu mới, mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.
Kinh tế HTX chính là đòn bẩy cho địa phương phát triển
Theo đại biểu Thích Đức Thiện (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) đối với nền kinh tế của Việt Nam, xét về quy mô của nền kinh tế, về quan hệ giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất thì bất kỳ ở giai đoạn nào, thời kỳ nào, hoàn cảnh lịch sử nào cũng đều phải chú trọng đến kinh tế HTX trong mối quan hệ hữu cơ với kinh tế địa phương là chủ trương cần được tập trung phát triển để giải quyết những vấn đề cơ bản cho các vùng nông thôn và miền núi.
Thực tiễn cho thấy, phát triển kinh tế địa phương, kinh tế HTX chính là đòn bẩy, trợ thủ đắc lực cho kinh tế trung ương, kinh tế quốc doanh và các tập đoàn kinh tế chủ đạo của Nhà nước. Điều đó càng được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 vừa qua.
Trong giai đoạn hiện nay, về quan điểm, chúng ta đã khẳng định vai trò của kinh tế tập thể là một trong bốn thành phần kinh tế chủ đạo của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cũng theo đại biểu Thích Đức Thiện, khi HTX được quan tâm phát triển sẽ tạo ra động lực và đột phá phát triển nông nghiệp nước nhà, phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển chương trình OCOP và cả nông nghiệp công nghệ cao...
Mô hình HTX là rất phù hợp với các địa phương và nó sẽ phát huy được những nỗ lực, sáng tạo của các hộ nông dân, những người chủ của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các hộ nông dân sẽ nhận được sự hỗ trợ có hiệu quả của HTX và qua đó tiếp nhận tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước trong các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như phát huy các liên kết với doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thương mại và hội nhập quốc tế.
Mặc dù vậy, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, đội ngũ quản lý HTX còn rất nhiều bất cập về trình độ, năng lực quản lý, chiến lược sản xuất, kinh doanh và hội nhập còn nhiều hạn chế.
Đại biểu Thích Đức Thiện cho rằng việc bồi dưỡng nguồn nhân lực, tài chính và trình độ quản trị và phương thức quản lý đều cần sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2025.
Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho rằng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh góp phần phục hồi kinh tế và thích ứng với tình hình mới.
Tuy nhiên, kinh tế tập thể, HTX vẫn còn nhiều hạn chế. Số lượng, chất lượng HTX phát triển không đồng đều giữa các vùng và các địa phương. Quy mô HTX đa số còn nhỏ, năng lực nội tại HTX còn yếu kém, tính liên kết giữa các thành viên chưa chặt chẽ, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu.
Để HTX phát triển đúng vai trò của mình, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa đến khu vực này, trong đó thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, nhất là các chính sách liên quan đến nâng cao nguồn nhân lực cho HTX, các chính sách về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chính sách đầu tư nguồn lực, kết cấu hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp. Chính sách liên kết đến thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.
Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 cần đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập trong quy định của luật trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật HTX năm 2012 trong thời gian tới.