Mới đây, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC phối hợp Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì Diễn đàn Quốc gia về "Sáng tạo Nội dung số, Bảo vệ bản quyền số và Quảng cáo số". Diễn đàn có 2 phiên thảo luận chính với các chủ đề: Sáng tạo nội dung số, bảo vệ bản quyền số và Khai thác thương mại, kinh doanh quảng cáo trên các nền tảng số.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam Vũ Kiêm Văn cho biết: “Trong 5 năm gần đây, sự phổ biến của Internet, sự xuất hiện của đa dạng các nền tảng số đã làm thay đổi thói quen, hành vi của khán giả khi tiếp cận và thụ hưởng nội dung từ các hình thức truyền thống như truyền hình, radio, báo in... đang dịch chuyển lên không gian số.
Để bắt kịp xu hướng này, các nhà sản xuất nội dung số buộc phải thay đổi tư duy nhằm tạo ra nhiều sản phẩm nội dung đa dạng ở nhiều lĩnh vực từ tin tức, giải trí, tới thể thao, giáo dục.... Từ đó, sáng tạo nội dung số trở thành một sân chơi mới, đa màu sắc dành cho các nhà sản xuất nội dung và các nhãn hàng, các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo số”.
Giám đốc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC Trần Đức Thành cũng cho biết, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu, rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, thì đổi mới, sáng tạo các nội dung truyền thông số, triển khai các nội dung ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi đơn vị, các nhân và doanh nghiệp.
Thời gian qua, ngành viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về hạ tầng kỹ thuật số, sản xuất và kinh doanh trên môi trường số.
Ông Thành mong muốn diễn đàn trở thành cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nội dung số. VTC và VDCA cũng sẽ hướng tới việc tổ chức nhiều hơn các sự kiện và giải thưởng cho hoạt động nội dung số tại Việt Nam trong thời gian tới.
"Sự tham gia đầy nỗ lực của các đơn vị báo chí, truyền thông; các đơn vị sản xuất và sáng tạo nội dung; các đơn vị phân phối nội dung và các nhà quảng cáo cũng là điều kiện cần thiết giúp hoạt động chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn và hiệu quả cao hơn”, ông Trần Đức Thành nói.
Nhận định về cơ hội cho các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam, ông Tạ Mạnh Hoàng, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA), Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam cho rằng, tính đến tháng 01/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% tổng dân số, tăng 5,3 triệu so với năm 2022. Số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu kết nối, tương đương với 164,0% tổng dân số, tăng 4,7 triệu so với năm 2022. Số người sử dụng mạng xã hội là 70 triệu người tương ứng với 71% dân số Việt Nam, trong đó 68% trên 18 tuổi sử dụng mạng xã hội.
Sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các nhà sáng tạo nội dung số tiếp cận với công chúng một cách dễ dàng hơn. Tại Việt Nam có 66,2 triệu người dùng Facebook; 63 triệu người dùng Youtube; 10,3 triệu người dùng Instagram; 49,86 triệu người dùng Tik Tok, với khoảng 2 triệu thuê bao Netflix.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, với khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và tính sáng tạo cao. Nhiều trường tham gia đào tạo thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện tại Việt Nam: đại học FPT, đại học Phương Đông, đại học Bưu chính viễn thông, Cao đẳng truyền hình,...
Tuy nhiên Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam cũng chỉ ra hàng loạt những thách thức, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là mô hình kiếm tiền nhanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay chủ yếu mang tính tự phát và rủi ro cao.
Thứ hai, số lượng các doanh nghiệp start-up nhiều nhưng quy mô nhỏ và thời gian tồn tại ngắn. Minh chứng cho điều này, ông Hoàng chỉ ra, đến hết 2022, Việt Nam có khoảng 3.800 start-up, đứng thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, nhưng chỉ 50% start-up tồn tại sau 5 năm hoạt động.
Thứ ba, Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao vai trò là tổng công trình sư, đủ tầm nhìn thiết kế sản phẩm một cách toàn diện - đa dòng, đa mảng như mô hình sản phẩm 360 của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thứ tư, Doanh nghiệp Việt Nam sức cạnh tranh yếu dễ bị tổn thương khi ra nhập thị trường quốc tế. Nhắc đến thách thức này, ông Tạ Mạnh Hoàng chỉ ra trường hợp một doanh nghiệp lớn ở Anh đã lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để tranh chấp bản quyền số bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của Sconnect Việt Nam.
Ở trường hợp khác, cũng doanh nghiệp ở Anh khởi kiện hơn 30 vụ xâm phạm quyền tác giả, nhãn hiệu ở Trung Quốc, 2 vụ ở Nga. Cùng với đó, một số doanh nghiệp game Việt Nam bị vướng vào kiện tụng sở hữu trí tuệ từ các công ty Trung Quốc, Nhật Bản. Từ đó, Việt Nam bị gán nhãn là nước có vi phạm bản quyền phổ biến.
Thứ năm, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có các sản phẩm thực sự nổi bật tạo tiếng vang lớn trên thế giới. Việt Nam đang thiếu các sản phẩm nổi bật trong nước cũng như trên thế giới để tạo ra sự nhận biết của khách hàng, đối tác dẫn tới thiếu cơ hội kinh doanh và giá trị nguồn lao động chưa cao.
Thứ sáu, nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số chưa cao. Đây là đặc điểm của thị trường, khi người dùng dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền.
Ông Tạ Mạnh Hoàng cho rằng, sự phát triển của quá nhanh của các loại hình nội dung cũng khiến Việt Nam chưa có các mục tiêu và chiến lược tổng thể kịp thời để hỗ trợ phát triển ngành nội dung số. Sáng tạo hay kinh doanh trên nền tảng số chưa được thực sự được coi là một mảng kinh doanh và có tỷ trọng cụ thể trong nền kinh tế.