Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết là ai?

Admin
Ông Trịnh Văn Quyết hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways.

Tiểu sử Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết sinh ngày 27/11/1975 tại Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ông tốt nghiệp Cử nhân Luật và thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông Quyết đã mở văn phòng gia sư và buôn bán điện thoại, vừa thỏa niềm đam mê kinh doanh vừa có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Năm 2001, Công ty Cổ phần Tư vấn quản lý và Giám sát đầu tư (viết tắt SMiC) ra đời. Với nhiệm vụ tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, bất động sản, thương mại và dịch vụ…

Năm 2006, ông Trịnh Văn Quyết chuyển đổi từ văn phòng Luật sư SMiC thành Công ty Luật TNHH SMiC.

Ông Quyết là 1 trong 5 luật sư hàng đầu Việt Nam được vinh danh "Luật sư tiêu biểu" năm 2012.

Sau đó, ông Trịnh Văn Quyết cho sáp nhập các công ty thành viên để thành lập Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC).

Hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC. Đồng thời gián tiếp nắm quyền tại các công ty liên quan đến Tập đoàn FLC, thường gọi là hệ sinh thái FLC, gồm: Công ty CP Nông Dược H.A.I (HAI), Công ty CP Xây dựng Faros (ROS); Công ty CP Đầu tư khoáng sản AMD Group (AMD), Công ty CP Chứng khoán Artex (ART), Công ty CP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (KLF), Công ty CP GAB (GAB)…

Ngoài ra, ông Quyết còn là Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways mới thành lập vài năm gần đây. Hãng hàng không này hiện có vốn điều lệ 18.500 tỉ đồng.

Tài sản của ông Trịnh Văn Quyết

Về tài sản, với số cổ phiếu đang nắm trong tay, ước tính ông Trịnh Văn Quyết đang nắm số tài sản 4.789 tỉ đồng gồm: 215.436.257 cổ phiếu FLC, 23.717.556 cổ phiếu ROS, ở 7.614.000 cổ phiếu GAB và 3.156.000 cổ phiếu ART.

Tuy nhiên, với khối tài sản này, đây vẫn chưa phải là thời kỳ "hoàng kim" của ông Quyết mà là năm 2017, khi ông Trịnh Văn Quyết được xếp hạng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, năm 2017 ông Quyết sở hữu tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD), tăng 25.046 tỉ đồng so với năm 2016, khi sở hữu 318.514.630 cổ phiếu ROS, 135.187.150 cổ phiếu FLC và 2.630.000 cổ phiếu ART, qua đó chính thức giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán trong năm.

Đến năm 2018, tài sản của đại gia Vĩnh Phúc đột ngột ''rơi'' xuống còn 15.572 tỉ đồng.

Vì sao Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam?

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết, đang điều tra, xác minh đối với bị can Trịnh Văn Quyết, các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hành vi trên của bị can Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Ngày 29/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với những người liên quan.

Các quyết định, lệnh tố tụng của Cơ quan CSĐT Bộ Công an được VKSND Tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật.

Trước đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways.

Theo quyết định này, ông Quyết bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 26/3 đến hết ngày 25/4/2022. Cơ quan chức năng cũng mời ông Quyết lên làm việc, để làm rõ liên quan đến một số vấn đề.

Tháng 1/2022, màn "bán chui" cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết đã gây rúng động dư luận. Cụ thể ngày 10/1, Chủ tịch FLC đã giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. 

Sau vụ việc, những cổ phiếu liên quan ông Quyết và FLC chao đảo, liên tục bị "bán tháo". Đồng thời, hàng chục mã chứng khoán khác cũng bị "vạ lây" và nhiều nhà đầu tư gặp tổn thất lớn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phong tỏa tài sản chứng khoán của ông Quyết, đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong 5 tháng. Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định.

Theo Sở hữu trí tuệ