Cảnh giác với chiêu thức lừa đảo giả mạo tuyển sinh viên đi học ở nước ngoài

Admin
(SHTT) - Thời gian gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã phát đi thông tin cảnh báo về việc xuất hiện văn bản giả mạo tuyển sinh viên đi học ở nước ngoài.

Trong thông báo của nhà trường có đính kèm một văn bản giả mạo nhà trường mà các đối tượng đã thực hiện để lừa đảo sinh viên.

Văn bản giới thiệu về "Chương trình giao lưu sinh viên Vương quốc Anh cấp năm 2026", với 15 suất học bổng ngắn hạn. Đối tượng tuyển là sinh viên Trường Đại học Ngoại thương (ngành Quản trị kinh doanh), sức khỏe xếp loại I, II.

gia-mao

 

 Theo văn bản giả mạo này, chương trình giao lưu được Chính phủ Vương quốc Anh hỗ trợ 100% bao gồm vé máy bay quốc tế khứ hồi, học phí, sinh hoạt phí trong suốt thời gian học. Chương trình kéo dài 3 tháng, các chi phí còn lại do nhà trường hỗ trợ.

Để tham gia chương trình, các đối tượng lừa đảo yêu cầu sinh viên chuẩn bị hồ sơ bao gồm sơ yếu lý lịch cùng sao kê minh chứng khả năng tài chính. Trong đó, sinh viên cần có tối thiểu 200 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của mình.

Trường Đại học Ngoại thương khẳng định, nhà trường không thực hiện chương trình hợp tác nào như nội dung nêu trên. Nhà trường lưu ý sinh viên tuyệt đối không chuyển tiền hoặc yêu cầu người thân chuyển tiền khi nhận được các thông báo có dấu hiệu đáng ngờ.

Nhà trường lưu ý, khi nhận được bất kỳ cuộc gọi, tin nhắn, email hoặc thông tin nào liên quan đến học bổng, học phí, tài chính…, sinh viên cần kiểm chứng thông tin qua các kênh chính thức hoặc liên hệ Phòng Chính trị công tác sinh viên.

Trước đó, Trường Đại học Phú Yên Trần Lăng cũng cho biết đã phát hiện văn bản giả mạo thông báo của nhà trường về việc tuyển sinh Chương trình trao đổi sinh viên năm 2025-2026 trên mạng xã hội.

Nội dung văn bản giả mạo có các nội dung giới thiệu về Đại học Quốc gia Pusan, chương trình trao đổi sinh viên giữa hai trường, đối tượng và quyền lợi tham gia chương trình, chi phí ăn uống, chỗ ở, hồ sơ và thời hạn đăng ký tham gia đến ngày 20/3/2025. Đặc biệt, sinh viên khi làm hồ sơ đăng ký tham gia phải thực hiện sao kê điện tử chứng minh tài chính do mình đứng tên với mức tối thiểu là 250 triệu đồng. Văn bản còn có chữ ký của Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên Trần Lăng, mục đích văn bản giả mạo này nhằm yêu cầu sinh viên cung cấp các giấy tờ, nội dung liên quan đến tài chính rồi từng bước chiếm đoạt. Chữ ký của Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Yên là thật nhưng được sao chép, cắt dán tinh vi bằng công nghệ. Hiện chưa có sinh viên của trường bị lừa đảo nhưng thông báo giả mạo này khiến các em khá lo lắng.

Hiện nay, mọi thông tin chính thức về Chương trình trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học Phú Yên và Đại học Quốc gia Pusan được công bố trên website của Trường Đại học Phú Yên là pyu.edu.vn và fanpage của nhà trường hoặc các kênh liên lạc của Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế của trường. Nếu muốn tham gia các chương trình trao đổi sinh viên hoặc hoạt động khác, sinh viên cần kiểm tra thông tin trên website của trường hoặc liên hệ trực tiếp với nhà trường để xác nhận và có hướng dẫn cụ thể.

Gần đây, nắm bắt được nhu cầu của phụ huynh và sinh viên, nhiều đối tượng đã lập ra các trang web giả, thông báo giả để tuyển sinh du học nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số trường đại học liên tục phát cảnh báo sinh viên đề cao cảnh giác trước thông tin giả mạo yêu cầu chuyển khoản dưới dạng trúng tuyển học bổng, chương trình trao đổi sinh viên và yêu cầu đóng khoản phí để được xét duyệt.

Cơ quan chức năng cảnh báo người dân tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc; không truy cập vào liên kết hoặc tệp đính kèm trong tin nhắn, email hoặc bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội. 

TH