Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế hội nhập, năng động, hấp dẫn đầu tư trong khu vực. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam xác định tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - một mũi nhọn, được dự báo trở thành ngành công nghệ đột phá nhất trong 10 năm tới.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ AI làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế. Tại Việt Nam, Chính phủ xác định công nghệ AI là sự đột phá, mũi nhọn cần được triển khai nghiên cứu. Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung tham mưu, định hướng để thúc đẩy phát triển công nghệ, trong đó tập trung nguồn lực cho phát triển trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên bài toán thiếu nhân lực AI đang làm đau đầu nhiều doanh nghiệp Việt. Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, không dễ để giải bài toán khan hiếm nguồn nhân lực AI, một thách thức với FPT nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.
“Những người xuất sắc ở Việt Nam thường lựa chọn đi học ở nước ngoài, mà đã đi thì không trở lại. Trong khi đó, không chỉ doanh nghiệp Việt khát nhân lực, mà các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài cũng đến Việt Nam tìm kỹ sư công nghệ để mời sang nước họ làm việc do thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao. Một làn sóng khởi nghiệp với việc thâu tóm, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp công nghệ trong nước với các đối tác ngoại cũng góp phần khiến nguồn cung nhân lực AI ngày càng khan hiếm”, ông Việt chia sẻ.
Để giải quyết bài toán thiếu kỹ sư AI, theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng phòng nhân sự, Trung tâm Không gian mạng Viettel, các doanh nghiệp phải chủ động đào tạo những nhân tài tiềm năng, đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho những nhóm nhân lực trẻ.
Giải pháp cấp bách và cả lâu dài là việc đào tạo tại các trường đại học khoa học và kỹ thuật. Mô hình được áp dụng khá phổ biến hiện nay là doanh nghiệp đặt hàng, hỗ trợ trường, viện đào tạo.
PGS-TS. Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, để đẩy mạnh chất lượng đào tạo nhân lực ngành này, không chỉ bồi dưỡng cho sinh viên đại học kiến thức nền tảng, thuật toán, giải thuật bên trong, mà phải rèn kỹ năng để vận dụng vào thực tế, xây dựng những sản phẩm phục vụ xã hội, khuyến khích sinh viên làm quen, nghiên cứu khoa học về AI.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã phối hợp với các trường đại học thực hiện diện rộng chương trình phổ cập kỹ năng xây dựng dữ liệu ứng dụng của AI, thúc đẩy đào tạo chính quy trình độ đại học và sau đại học.
Còn nhớ, khi nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT cũng như đối với AI, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳn định, nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu chúng ta giải quyết tốt bài toán "cung - cầu" nhân lực giữa nhà trường và thị trường, đổi mới đào tạo để đáp ứng sự thay đổi của thời đại.
"Cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Nước nào có nguồn nhân lực tốt, đáp ứng nhanh với nhu cầu thay đổi của công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết tốt các bài toán của nước mình, của nhân loại thì nước đó sẽ chiến thắng trong cạnh tranh", Bộ trưởng Bộ TT&TT nhận định.
Theo Sở hữu trí tuệ