Áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường: Cần thêm nhiều sự cân nhắc

Hương Mi
Vừa qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu "Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát có đường".

Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại Dự thảo là “Mở rộng cơ sở tính thuế”, trong đó có quy định: “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB”. Đồng thời, Dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới. Tuy nhiên, trong Thuyết minh, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này. Có ý kiến chuyên gia và một số phân tích khoa học cho thấy việc áp thuế TTĐB như tại Dự thảo chưa đảm bảo hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng; đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát (NGK) có đường.

Ngành đồ uống (trong đó có nhóm nước giải khát) là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, có truyền thống, văn hóa, lịch sử lâu đời, đã đi vào đời sống của người dân Việt Nam. Ngành đồ uống đã cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho xã hội và bình ổn thị trường. Với hàng trăm nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước (trên 51 tỉnh, thành phố), tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong các cơ sở nhà máy sản xuất và trong chuỗi cung ứng, dịch vụ từ các đơn vị cung cấp nguyên liệu, đóng gói, kho vận, phân phối, các ngành dịch vụ, du lịch, nhà hàng, logictics ... đảm bảo lưu thông trong chuỗi giá trị sản phẩm. Các công ty trong ngành luôn nằm trong danh sách những doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhiều nhất, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái sản xuất - thương mại - dịch vụ của địa phương.

Tại Hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, việc áp thuế TTĐB như tại dự thảo chưa bảo đảm hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng, đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường.

Theo yêu cầu của Chính phủ (tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023), “Đối với chính sách, giải pháp liên quan đến bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bổ sung thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để tăng tính thuyết phục và thống nhất với các luật liên quan”. Đồng thời, Chính phủ nêu rõ “Trong giai đoạn xây dựng dự án Luật, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung đề xuất, bổ sung các đánh giá có tính khoa học, thực tiễn, nhất là về đề xuất bổ sung đối tượng chịu thuế,...; lấy ý kiến rộng rãi, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách;…”.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, kết quả tính toán cho thấy khi áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường thì các tác động cụ thể tới ngành nước giải khát như sau: Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế; giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất của nhóm ngành nước giải khát đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.

Đồng thời, việc áp thuế TTĐB này không chỉ tác động tới ngành nước giải khát mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế như sau: Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương đương 55.077 tỷ đồng. Điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng... Vì thế, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) sụt giảm 2.152 tỷ đồng; kết quả tính toán tác động tới thu nhập của người lao động trong toàn nền kinh tế giảm 0,6%, tương đương giảm 34.534 tỷ đồng... Chưa kể, với các chu kỳ sau, nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm.

Do vậy, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất cơ quan soạn thảo cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý. Đồng thời, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục...

z5939160731853da06e6b0d2aa0e08e89c3a474de632c2-1729151686093535311396

Bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, khi chưa có đầy đủ các đánh giá tác động, VBA kiến nghị xem xét cân nhắc chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB tại lần sửa đổi này.

Một số doanh nghiệp cho biết thêm, nếu phân tích chuyên sâu, lượng đường gây ra bệnh béo phì không hoàn toàn đến từ nước giải khát. 5g/100ml không thể là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh béo phì. Trên thị trường có nhiều mặt hàng khác có hàm lượng đường cao như trà sữa, bánh kẹo, bánh trung thu… Vậy có nên đánh thuế và đánh thuế như vậy liệu có công bằng?

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, những mặt hàng khác có đường không bị đánh thuế, bởi lượng tiêu dùng sử dụng không nhiều bằng nước giải khát. Người Việt Nam đang sử dụng nước giải khát nhiều lên, việc này hoàn toàn ảnh hưởng tới sức khoẻ và môi trường.

z5938863507814_657cdfecf39152714814c3054cd2cdcc

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Nhị Hà, đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trước tình hình vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, cần tính toán đánh giá kỹ tác động của việc đánh thuế về mặt kinh tế và y tế. Trong đó, cần coi trọng việc điều tiết hành vi người tiêu dùng hơn, sau đó mới đến mục tiêu ngân sách.

Bà Nhị Hà cũng khẳng định, việc điều chỉnh thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga, điều quan trọng nhất là phải thực hiện cho phù hợp với điều kiện kinh tế, sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, bà Hà cũng cho rằng, cần có thêm các nghiên cứu chỉ ra NGK có đường có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hay không thì mới quyết định có áp thuế hay không.