Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 2018, Hà Nội đã vào cuộc tích cực, với sự chỉ đạo triển khai tổ chức đồng bộ hiệu quả từ Thành phố đến cơ sở. Đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang sản xuất sản phẩm cung ứng ra thị trường và sự đón nhận hưởng ứng, nhận diện của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về triển khai chương trình OCOP.
Quá trình thực hiện, Thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước, trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao.
Riêng năm 2022, Thành phố công nhận 518 sản phẩm (1 sản phầm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).
Để đạt được kết quả trong năm 2022, Hội đồng OCOP Thành phố đã tổ chức 13 hội nghị đánh giá, phân hạng vòng 1 được 518 sản phẩm (từ ngày 20/9 đến ngày 21/12/2022). Trong đó, có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do hết thời hạn 36 tháng theo quy định; chia theo ngành sản phẩm gồm có: Thực phẩm tươi sống 76 sản phẩm; thực phẩm chế biến 225 sản phẩm; đồ uống 12 sản phẩm; thảo dược 22 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 168 sản phẩm; ngành vải may mặc 13 sản phẩm; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch 02 sản phẩm.
Trên cơ sở đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Thành phố về kết quả đánh giá vòng 1, Hội đồng OCOP Thành phố tiến hành họp vòng 2, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Thành phố đã thảo luận và thống nhất cao, đã trình và được UBND Thành phố ban hành Quyết định số 2008/QĐ-UBND ngày 07/4/2023 phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố Hà Nội năm 2022, với 518 sản phẩm từ 3 sao trở lên của 191 chủ thể. Trong số này, có 1 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao là Đông trùng hạ thảo sấy đông khô của Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc tại xã Phú Nam An (huyện Chương Mỹ). Bên cạnh đó, 271 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 246 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Như vậy, Hà Nội vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).
Vào sáng 16/6, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố Quyết định, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP Thành phố, năm 2022.
Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, với những kết quả đạt được, để bảo đảm mục tiêu của Thành phố, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được công nhận (năm 2021 và 2022, có 1.113 sản phẩm được công nhận đạt 56% kế hoạch), các cấp ngành từ Thành phố đến cơ sở và chủ thể OCOP cần tiếp tục tăng cường tập trung công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về chương trình OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại là một trong những bước then chốt để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy chương trình; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững…
Cùng với đó, triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP Thành phố.
Tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường. Các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.