Tóm tắt:
Đặc thù thổ nhưỡng và sự đa dạng văn hóa các vùng miền Việt Nam dẫn đến hiện tượng nhiều sản phẩm địa phương có chất lượng gắn kết nhất định với nguồn gốc địa lý. Mức độ gắn kết này không phải lúc nào cũng đủ thuyết phục cộng đồng địa phương quan tâm việc quảng bá sản phẩm, nhưng vẫn có những cá nhân, tổ chức mạnh dạn đầu tư và có nguyện vọng đăng ký nhãn hiệu là tên địa danh. Nhiều trường hợp, chính những cá nhân, tổ chức đi đầu đó lại chịu thiệt thòi khi phải từ bỏ thành quả đầu tư, do xung đột quyền với chỉ dẫn địa lý mà cộng đồng người sản xuất địa phương đồng lòng yêu cầu bảo hộ khi danh tiếng sản phẩm nâng cao. Đây là thực trạng được tác giả tìm hiểu và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật, nhằm hài hòa quyền lợi của các chủ thể.
1. Đặt vấn đề
1.1. Lợi ích của việc bảo hộ nhãn hiệu
Nhãn hiệu (trademark) là thuật ngữ đã được chuẩn hóa quốc tế, dù rằng định nghĩa nhãn hiệu trong luật thành văn của các nước đôi lúc có sự khác biệt dựa trên những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của quốc gia đó. Pháp luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam (Khoản 16 Điều 4 Luật SHTT số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005) định nghĩa: nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Những người thợ rèn làm kiếm từ thời Đế chế La Mã từng đánh dấu các ký hiệu trên vũ khí họ làm ra để phân biệt với vũ khí của người khác. Về sau, cách dùng ký hiệu để đánh dấu vũ khí được phổ biến rộng rãi và áp dụng trên các sản phẩm khác (như vàng, bạc, tiền xu, trang sức, đồ gốm,...). Ở thời đại hiện nay, một công ty có thể sử dụng nhiều dấu hiệu để ghi nhớ về công ty mình hoặc sản phẩm riêng biệt do công ty làm ra, họ có thể sử dụng chính logo của công ty để làm nhãn in trên sản phẩm, nhưng họ cũng có thể thiết kế một logo khác hoặc sử dụng các dấu hiệu khác. Ví dụ như Unilever Việt Nam có logo công ty riêng và họ sử dụng các nhãn hiệu khác nhau cho từng dòng sản phẩm của công ty: dầu gội Sunsilk, dầu gội Clear, sữa tắm Dove, kem đánh răng P/s, Closeup,…
Các công ty thiết kế nhãn hiệu sử dụng trên các sản phẩm nhằm mục tiêu giúp khách hàng dễ dàng nhận biết. Khi nhìn vào nhãn hiệu, người tiêu dùng có thể liên tưởng đến công ty, thậm chí liên tưởng ngay đến sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ mà công ty đó cung cấp, nhất là những công ty có chất lượng sản phẩm tạo được uy tín với người dùng và còn chấp nhận đầu tư chi phí quảng bá cho hình ảnh sản phẩm của mình.
Dưới đây xin trích dẫn một ví dụ về Công ty TNHH Xi măng Vinakansai. Tài liệu lưu trữ tại Cục SHTT cho thấy, ngày 26/07/2007, Công ty TNHH Xi măng Vinakansai đã nộp đơn yêu cầu Cục SHTT bảo hộ nhãn hiệu Vinakansai, nhưng đến ngày 20/10/2008, Cục SHTT đã ra thông báo kết quả thẩm định số 64438/SHTT-NH1 với nội dung từ chối bảo hộ nhãn hiệu Vinakansai vì đã gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam mà chủ sở hữu là Công ty cổ phần thép cũng mang tên Vinakansai có trụ sở tại Km 18, quốc lộ 5, xã Lê Thiện, huyện An Dương, Hải Phòng. Sau đó, Công ty TNHH Xi măng Vinakansai quyết định đổi tên thành Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình dù ngay từ năm 2007, Công ty này (khi còn mang tên Công ty TNHH Xi măng Vinakansai) đã quyết liệt đầu tư cho thương hiệu Vinakansai thể hiện qua việc trở thành nhà tài trợ cho một đội bóng giải hạng nhất quốc gia mang tên Câu lạc bộ bóng đá Xi măng VinaKansai Ninh Bình (đội bóng này nguyên là đội bóng đá Công an thành phố Hồ Chí Minh, năm 2002 đổi tên thành câu lạc bộ bóng đá Ngân hàng Đông Á TP. Hồ Chí Minh, năm 2005 đổi tên thành đội bóng đá Sơn Đồng Tâm Long An và sở hữu suất chơi ở giải bóng đá hạng nhất quốc gia. Năm 2007, sau khi sáp nhập với đội bóng Ninh Bình thì có tên gắn với tên nhà tài trợ mới thành Câu lạc bộ bóng đá Xi măng VinaKansai Ninh Bình và giữ lại được quyền chơi ở giải hạng nhất). Sau khi đổi tên thành Công ty cổ phần Vissai Ninh Bình, đội bóng cũng được chuyển tên thành Câu lạc bộ bóng đá Xi măng The Vissai Ninh Bình, không còn quảng bá cho thương hiệu VinaKansai nữa. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư cho nhãn hiệu sản phẩm và tính chất quan trọng không kém của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
1.2. Lợi ích của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Nhu cầu bảo hộ đối với các sản phẩm có chất lượng đặc thù gắn liền với xuất xứ địa lý của hàng hóa đã tồn tại từ rất lâu. Trước khi có khái niệm “chỉ dẫn địa lý”, pháp luật các nước châu Âu bảo hộ cho các sản phẩm này được phép sử dụng chỉ dẫn “Tên gọi xuất xứ hàng hóa”. Khái niệm “chỉ dẫn địa lý” (Geographical Indications) trở nên phổ biến rộng rãi sau Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền SHTT (Hiệp định TRIPS). Theo đó, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu thể hiện nguồn gốc địa lý của sản phẩm mà chất lượng, danh tiếng hay các đặc tính khác của sản phẩm chủ yếu có được do nguồn gốc địa lý này mang lại. Khác với tên gọi xuất xứ hàng hóa, dấu hiệu có thể sử dụng như “chỉ dẫn địa lý” không bắt buộc phải là tên gọi địa lý (địa danh theo chỉ giới hành chính hay theo truyền thống), mà còn có thể là bất kỳ dấu hiệu, ký hiệu hoặc những từ ngữ nào đó, miễn là chúng thể hiện được mối liên hệ giữa sản phẩm với nguồn gốc xuất xứ, miễn là chúng có khả năng làm cho khách hàng gắn kết với đặc điểm riêng biệt của hàng hóa. Chẳng hạn những sản phẩm có nguồn gốc từ Paris (Pháp) có thể sử dụng hình tháp Eiffel, hay hình ảnh con Kangaroo có thể sử dụng để chỉ xuất xứ sản phẩm từ Australia.
Chỉ dẫn địa lý được đánh giá là có tên tuổi khi mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cao, thể hiện qua việc số lượng người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó. Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp.
Việt Nam đã tham gia Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có bảo hộ Tên gọi xuất xứ hàng hóa từ rất sớm (năm 1949), nhưng phải tới lúc ban hành Bộ luật Dân sự 1995 mới có quy định về tên gọi xuất xứ. Theo đó, Tên gọi xuất xứ hàng hóa là tên địa lý của nước, địa phương dùng để chỉ xuất xứ của mặt hàng từ nước, địa phương đó với điều kiện những mặt hàng này có tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các điều kiện địa lý độc đáo và ưu việt, bao gồm yếu tố tự nhiên, con người hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó (theo tinh thần định nghĩa từ Công ước Paris 1883).
Năm 2005, Luật SHTT ra đời và đến năm 2009 Luật SHTT sửa đổi đưa ra một định nghĩa ngắn gọn: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”, còn những đặc trưng của chỉ dẫn địa lý được đưa vào phần quy định về điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Cho đến nay, sau những lần sửa đổi luật, nội dung trên vẫn được giữ nguyên.
Chỉ dẫn nguồn gốc địa lý sản phẩm được sử dụng bằng nhiều hình thức khác nhau từ trước khi được pháp luật quy định cơ chế bảo hộ, bởi vì đó là nhu cầu thật sự cần thiết trong quan hệ cung cầu. Đó chẳng những là nhu cầu của những người sản xuất muốn đánh dấu cho các sản phẩm của mình để nhằm phân biệt sản phẩm do họ sản xuất với sản phẩm đến từ những vùng khác, mà bản thân người tiêu dùng cũng muốn có những dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý để nhận biết và lựa chọn sản phẩm.
Kể từ khi có những quy định, những tiêu chuẩn khắt khe về chỉ dẫn địa lý và việc bảo hộ cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đã được pháp luật các nước cũng như các công ước quốc tế, các hiệp định thương mại song phương, đa phương thừa nhận, thì chỉ dẫn địa lý đóng vai trò quan trọng trong quá trình xúc tiến thương mại, làm gia tăng giá trị và uy tín cho sản phẩm. Khi nhãn hàng có sử dụng những chỉ dẫn địa lý uy tín sẽ tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn khách hàng, sản phẩm bán chạy hơn và giá thành sản phẩm cũng cao hơn so với những sản phẩm khác cùng loại không được sản xuất ở khu vực địa lý khác.
Vì chỉ dẫn địa lý liên quan chặt chẽ với đặc sản địa phương, với các di sản truyền thống lâu đời về ẩm thực, nghề thủ công nên trong nền kinh tế hội nhập, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý và kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý chặt chẽ sẽ đóng góp tỷ trọng đáng kể trong phát triển công nghiệp du lịch sinh thái, đem lại nguồn lợi ích kinh tế cao cho cư dân địa phương thông qua các hoạt động xuất khẩu tại chỗ.
1.3. Một số khác biệt trong bảo hộ nhãn hiệu và bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Luật SHTT Việt Nam chỉ rõ là bất kỳ tổ chức, cá nhân nếu cung ứng dịch vụ, hoặc sản xuất sản phẩm, hoặc tiến hành hoạt động thương mại sản phẩm do người khác sản xuất (với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó) thì được quyền đăng ký nhãn hiệu (điều 83 Luật SHTT). Họ được bảo hộ độc quyền đối với nhãn hiệu được cấp sau khi đăng ký, họ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ. Trong khi đó, đối với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thì chỉ có Nhà nước Việt Nam (thông qua các tổ chức do Nhà nước chỉ định) được quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý và Nhà nước Việt Nam là người nắm quyền của chủ sở hữu (điều 88 Luật SHTT). Riêng tổ chức, cá nhân nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật của nước xuất xứ thì có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.
Đối với nhãn hiệu, Cục SHTT sẽ cấp cho người đăng ký bảo hộ thành công một văn bằng bảo hộ, trong đó có ghi nhận chủ sở hữu nhãn hiệu, đối tượng, phạm vi và thời hạn bảo hộ là 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm. Còn đối với chỉ dẫn địa lý, Cục SHTT sẽ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lýghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, nêu chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, văn bằng này có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp (Điều 92 và điều 93 Luật SHTT).
So với việc yêu cầu bảo hộ một dấu hiệu là nhãn hiệu thì điều kiện để một dấu hiệu được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý sẽ phức tạp hơn, ngoại trừ việc sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có nguồn gốc địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý thì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn phải có danh tiếng, chất lượng hoặc tính đặc thù địa phương do điều kiện địa lý của địa phương đó tạo nên, như các điều kiện về khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái..., điều kiện về kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương (điều 79 và điều 81 Luật SHTT).
Điều đáng lưu ý khi tìm hiểu về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu và bảo hộ chỉ dẫn địa lý là ngay cả khi sản phẩm địa phương đạt được những tiêu chí như yêu cầu được nêu tại Luật SHTT nhưng tại thời điểm nộp đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý phát sinh trường hợp là chỉ dẫn địa lý đó trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc có ngày nộp đơn/ngày ưu tiên sớm hơn thì chỉ dẫn địa lý đó sẽ bị từ chối bảo hộ khi việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa.
Ngược lại, một dấu hiệu chỉ về nguồn gốc địa lý của sản phẩm chỉ có thể được xem là có khả năng phân biệt nếu dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn (nếu không phải là dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận).
Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cũng không được chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa (điều 74 Luật SHTT). Xa hơn nữa, những dấu hiệu làm người tiêu dùng hiểu lầm về nguồn gốc địa lý của sản phẩm sẽ được xem là có tính chất lừa dối người tiêu dùng nên sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu (khoản 5 điều 73 Luật SHTT). Điều này cũng tương đồng với pháp luật nhiều nước về SHTT, đơn cử như trường hợp một doanh nghiệp ở Trung Quốc (công ty ở tỉnh Quảng Châu - Trung Quốc có tên là Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.) đã bị Phòng Xét xử và Xem xét lại nhãn hiệu - Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu “cà phê Buôn Ma Thuột” mà Công ty này được cấp độc quyền từ năm 2011, sau những phản hồi từ phía Việt Nam rằng Buôn Ma Thuột là nơi sản xuất cà phê quan trọng của Việt Nam và nổi tiếng ở Việt Nam, cũng như nổi tiếng trên thế giới.[1]
2. Một số trường hợp xung đột quyền giữa nhãn hiệu và tên địa danh
2.1. Thương hiệu Nhãn chín muộn Đại Thành
Từ năm 2011, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có bài viết mô tả về cây “nhãn tổ” và thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành[2], theo đó, tại thôn Đại Tảo, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội có cây nhãn cổ thụ hơn trăm năm tuổi được gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn chăm sóc, hàng năm vẫn cho thu hoạch 3 - 4 tạ quả và được nhân giống đại trà, làm nên thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành mà người con trai thứ của ông Nguyễn Văn Đoàn là anh Nguyễn Văn Thành có công hơn cả trong việc tạo dựng thương hiệu.
Quả nhãn muộn được thu hoạch vào từ ngày 10/8 đến ngày 20/9 dương lịch hàng năm, vì muộn hơn giống nhãn chính vụ 1 tháng, nên giá thành nhãn muộn thường cao hơn. Khi nhãn muộn chín, trái trông hơi méo, cùi dày, hạt màu son hơi hồng, ăn ngọt, thơm, rất đặc trưng của nhãn muộn Đại Thành mà người ăn có thể cảm nhận được khi so sánh với các loại nhãn khác.
Theo kinh nghiệm của ông Đoàn, “nước nhãn muộn Đại Thành thường có 3 mức và được phát hiện là nhờ vào con dơi. Khi quả nhãn chín đạt đỉnh của nước 1 thì con Dơi sẽ về ăn, ăn độ 2 - 3 ngày khi thấy nhạt nước sẽ đi tìm cây khác. Đến đỉnh của nước 2, con Dơi lại về ăn 2 - 3 ngày. Đến đỉnh của nước thứ 3, khi thấy Dơi về ăn là thu hoạch tốt nhất. Khi đó, quả nhãn chín đều, mọng nước, thơm ngon, còn nếu để quá nước 3, nước nhãn sẽ nhạt dần và bị thối”.
Vào năm 2006, anh Nguyễn Văn Thành đã được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành” (giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa số 87355 cho nhóm sản phẩm số 31 quả nhãn tươi). Và đến năm 2012, Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành, xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội mới nộp đơn yêu cầu Cục SHTT bảo hộ nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành, hình” cho cùng nhóm sản phẩm.
Dù Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành đã nộp đơn đăng ký chậm hơn ông Nguyễn Văn Thành tới 6 năm, nhưng sau quá trình đàm phán, ông Nguyễn Văn Thành đã chủ động làm đơn đề nghị Cục SHTT hủy bỏ hiệu lực đối với nhãn hiệu của mình (nhãn hiệu số 87355) và đến ngày 21/08/2013, Cục SHTT đã cấp cho hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành văn bằng bảo hộ số 210660.
2.2. Tranh chấp liên quan việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bưởi Tân Triều”
Nếu vụ việc nhãn chín muộn Đại Thành, các bên đã dễ dàng tìm được tiếng nói chung thì câu chuyện tranh chấp liên quan nhãn hiệu có thành tố chứa địa danh “Bưởi Tân Triều” gây dư luận ồn ào kéo dài.
2.2.1. Giới thiệu về sản phẩm Bưởi Tân Triều
Bưởi Tân Triều được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00031 vào ngày 14/11/2012, hiện do UBND huyện Vĩnh Cửu quản lý.
Theo giới thiệu về Bưởi Tân Triều trên trang thông tin điện tử https://sohuutritue.net.vn của hội SHTT Việt Nam, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng bưởi Tân Triều, trong đó quan trọng nhất là yếu tố tự nhiên. Theo kể lại, năm 1869, cha xứ nhà thờ Tân Triều đã mang 2 cây bưởi về trồng trước sân nhà thờ, sau đó được nhân rộng ra, nhất là từ sau trận lụt năm Nhâm Thìn (1952). Được bồi đắp phù sa bởi hệ thống sông Đồng Nai trải dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, bưởi Tân Triều mang những hương vị riêng mà không giống bưởi nào có được. Đây là nơi có địa hình thấp, không bị ngập, độ dốc tương đối tốt và địa hình không chia cắt mạnh. Nằm trong vùng đất được thiên nhiên ưu ái, sông Đồng Nai và các kênh rạch nhỏ đã đảm bảo nguồn nước tưới cho cây suốt năm. Hơn nữa, vùng đất này phân bố gần hồ Trị An, nên có thể điều tiết được lưu lượng nước, việc tiêu thoát cũng dễ dàng. Vườn trồng được đánh theo rãnh hoặc theo líp, mật độ từ 260 - 300 cây/ha, chung quanh vườn trồng mít, xoài, mận, dâm bụt,... nhằm chắn gió, đến giai đoạn tỉa quả, mỗi chùm quả chỉ giữ lại 2 - 3 quả.
2.2.2. Đóng góp trong việc quảng bá thương hiệu Bưởi Tân Triều
Tại cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), ông Năm Huệ là người trồng bưởi nổi tiếng từ năm 1993 và đến năm 2001, ông Năm Huệ mở khu du lịch sinh thái tại vườn bưởi. Tâm huyết của ông Năm Huệ muốn "bưởi Tân Triều phải thật sự là bưởi của cù lao Tân Triều", thế nên mới có câu chuyện ông quyết định không nhận lời khi có người ngỏ ý đặt “mấy container” bưởi quả, cũng như làm số lượng lớn rượu để xuất khẩu, ông đã từng thẳng thắn nêu quan điểm với các cơ quan, ban ngành tỉnh Đồng Nai khi được mời tham gia hội thảo, sự kiện về xúc tiến thương mại xuất khẩu rằng ông “không muốn làm bưởi chỉ để xuất khẩu". Theo ông Năm Huệ, số lượng bưởi Tân Triều có hạn, trong khi đó nhu cầu xuất khẩu rất cao và cần số lượng lớn. Vì vậy, nếu không đủ bưởi để xuất khẩu, đồng nghĩa với việc bản thân ông phải đi thu gom từ nhiều nơi khác. Ông sợ như vậy sẽ làm thương hiệu bưởi Tân Triều biến chất.
Ngoài những chủ nhà vườn như ông Năm Huệ, còn có những doanh nghiệp thiên về mua bán sản phẩm bưởi Tân Triều cũng nhiệt thành đóng góp cho việc quảng bá tên tuổi bưởi Tân Triều. Trong bài báo “Người đưa bưởi Tân Triều xuất ngoại” đăng trên báo Người Lao động năm 2007, Nguyễn Thanh Sang, chủ doanh nghiệp tư nhân “Quê Hương Tân Triều”, được mô tả là một người sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân trồng bưởi ở ấp Tân Triều, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu - Đồng Nai, sau hơn 10 năm lăn lộn mưu sinh với đủ nghề, từ thợ kim hoàn, kinh doanh thời trang, sản xuất gỗ, quán ăn đến làm nhân viên siêu thị... cuối cùng cũng trở về trồng bưởi, nhưng có sự khác biệt là anh biết cách tạo nên danh tiếng cho bưởi Tân Triều, nhất là qua kinh nghiệm khi anh làm ở siêu thị Maximark, với các quầy hàng trái cây ngoại được trưng bày với tem mác bắt mắt. Từ năm 2003, anh thành lập DNTN Quê Hương Tân Triều, lập website www.buoibienhoa.vn và đăng ký thương hiệu bưởi Tân Triều với Cục SHTT. Anh còn tìm đến Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (Hà Nội) mua máy xử lý ozon xử lý bưởi đưa ra bán tại các siêu thị lớn như Maximark, Co.opMart, Big C, với hình thức sản phẩm có giỏ lưới, có tem, hạn sử dụng. Tại Hội chợ Triển lãm Festival Tây Nguyên tổ chức tại Đắk Lắk năm 2005, sau khi dùng thử và làm quen với ông chủ bưởi Tân Triều đầy nhiệt huyết này, một Việt kiều Đức đã ký hợp đồng với DNTN Quê Hương Tân Triều để đưa bưởi sang Đức tiêu thụ. Cơ hội giới thiệu sản phẩm bưởi Tân Triều như trong trường hợp Hội chợ triển lãm “Festival Tây Nguyên 2005” là rất hiếm, vì đây là lễ hội văn hóa lớn nhân kỷ niệm 100 năm hình thành, phát triển tỉnh Đắc Lắc.
Điều đáng tiếc là doanh nghiệp của ông Nguyễn Thanh Sang đã sai lầm, cung cấp thông tin thiếu trung thực khi nộp hồ sơ yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu mà không đoán định được trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Tân Triều” của doanh nghiệp tư nhân Quê hương Tân Triều bị hủy bỏ hiệu lực khi xảy ra tranh chấp như được mô tả tại tiểu mục 2.2.3 dưới đây.
2.2.3. Tranh chấp liên quan nhãn hiệu Tân Triều khi có yêu cầu bảo hộ “chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều”
Bưởi Tân Triều được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số đăng ký 00031 theo Quyết định số 2837/QĐ-SHTT ngày 14/11/2012 của Cục SHTT, cơ quan quản lý trước đây do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ định là Sở Khoa học công nghệ tỉnh Đồng Nai, từ năm 2016 chuyển chức năng này về cho Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Cửu. Vùng trồng bưởi Tân Triều tập trung ở 5 xã thuộc huyện Vĩnh Cửu, gồm: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân và Tân An, trong đó xã Tân Bình là nơi tập trung nhiều người dân trồng bưởi nhất.
Tuy nhiên, việc Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ cho “Chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều” cũng đã trải qua một thời gian tranh chấp dài. Khi tỉnh Đồng Nai tiến hành những thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho đặc sản bưởi Tân Triều thì được biết nhãn hiệu bưởi Tân Triều đã được DNTN Quê Hương Tân Triều đăng ký và độc quyền từ năm 2006.
Sở KHCN tỉnh Đồng Nai đề nghị DNTN Quê Hương Tân Triều làm đơn bãi bỏ quyền được bảo hộ nhãn hiệu và sau khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, DNTN Quê Hương Tân Triều vẫn có thể sử dụng chung nhãn hiệu này với những nông dân khác. Tuy nhiên, ông Sang cho rằng tâm huyết của DNTN Quê Hương Tân Triều trong nhiều năm qua đã khiến trái bưởi Tân Triều làm nên chút ít tiếng tăm khi bán được ở các siêu thị uy tín như Metro, Big C, Co.op Mart…, tham gia nhiều kỳ hội chợ quảng bá và có xuất khẩu sang châu Âu. Mặt khác, ông Sang lo lắng nếu trả lại nhãn hiệu sau đó ai sẽ quản lý nhãn hiệu? Và liệu được sử dụng chung thì nhãn hiệu có bị mất uy tín? Lợi nhuận và thành quả của DNTN Quê Hương Tân Triều suốt mấy năm qua có bị thiệt hại sau khi từ bỏ nhãn hiệu?
Thực tế, năm 2005, UBND tỉnh có công văn số 8331 trả lời cho DNTN Quê Hương Tân Triều rằng “Không chấp nhận cho sử dụng địa danh Tân Triều, Biên Hòa” làm nhãn hiệu, nhưng doanh nghiệp này đã không thông báo cho Cục SHTT về việc “Tân Triều” liên quan địa danh khi nộp hồ sơ yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu. Cục SHTT đã rà soát lại toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc cấp 2 văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Tân Triều” theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 97289 và 117217 cho DNTN Quê Hương Tân Triều, trong đơn đã mô tả nhãn hiệu “Tân Triều” là tên người nộp đơn, chứ không phải tên địa danh, đây là hành vi thiếu trung thực của DNTN Quê Hương Tân Triều. Kết quả cuối cùng là Cục SHTT đã ban hành Văn bản hủy bỏ hiệu lực các giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Tân Triều” của doanh nghiệp tư nhân Quê Hương Tân Triều.
Kết quả giải quyết tranh chấp liên quan nhãn hiệu bưởi Tân Triều không phải đối với ai cũng mang tính thuyết phục, tối thiểu là ở vấn đề xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp văn bằng bảo hộ, như Báo Lao động đã phản ánh ý kiến chuyên gia trong bài báo https://laodong.vn/archived/vu-tranh-chap-nhan-hieu-buoi-tan-trieu-dn-phai-chiu-trach-nhiem-721125.ldo đăng ngày 18/01/2012, cụ thể:
Việc Cục SHTT viện dẫn các quy định pháp luật để chứng minh trách nhiệm thuộc DN không phải thiếu cơ sở. Tuy nhiên, vấn đề mới lại đặt ra: Theo Luật SHTT và thông tư hướng dẫn, Cục SHTT là cơ quan có trách nhiệm thẩm định hình thức, cũng như nội dung đơn của DN trước khi hạ bút, như vậy Cục SHTT có trách nhiệm phần nào trong vụ việc xảy ra?
Như vậy, hành lang pháp lý và quy trình thẩm định rất sơ sài. Như trên đã nêu, sau khi thẩm định về hình thức của đơn, Cục SHTT sẽ công khai thông tin đơn trên công báo SHCN được ấn hành hằng tháng. Để có thể theo dõi việc công bố đơn theo hình thức này, chỉ có thể là những tập đoàn lớn có bộ phận SHTT riêng biệt mới đủ nhân lực có trình độ để thực hiện, chưa tính đến việc phải đặt mua công báo SHTT hàng tháng và lưu trữ số lượng công báo này. Trường hợp có người thứ ba có ý kiến tranh chấp Cục mới xem xét. Trong thời đại thông tin được cung cấp vượt quá tầm kiểm soát như hiện nay, việc tiếp cận kịp thời các thông tin công bố trên công báo SHCN để nêu ý kiến phản đối là không khả thi.
Sau khi thẩm định hình thức, sẽ đến quy trình thẩm định nội dung đơn (trong vòng 6 tháng kể từ ngày công bố đơn) để xác định đối tượng nêu trong đơn có đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ mà luật pháp quy định hay không. Đây là khâu vô cùng quan trọng, nhưng quy định lại cũng chỉ thể hiện sự lệ thuộc vào tính trung thực của người nộp đơn khi cung cấp tài liệu, mà không nêu cụ thể quy trình đối chứng của cơ quan chức năng (lấy ý kiến của địa phương nơi người nộp đơn đóng trụ sở, nơi có CDĐL, nhãn hiệu...).
2.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật
2.2.1. Đánh giá tính thực tế, hiệu quả của việc quản lý “Chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều”
Kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 9,52% chỉ dẫn địa lý hiện nay có sử dụng dấu hiệu thường xuyên, còn lại chỉ mang tính thử nghiệm khi có dự án hỗ trợ. Đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, chỉ có khoảng 8,13% sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý thường xuyên trên thị trường, chủ yếu là nước mắm Phú Quốc, số còn lại không sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn địa lý trên thị trường.
Đơn cử như đối với sản phẩm bưởi Tân Triều, một thực tế chưa thể làm ngơ là cho đến vụ trái cây tết cổ truyền Quý Mão (2023) vừa rồi, việc tiêu thụ bưởi Tân Triều vẫn phụ thuộc nhiều vào sức mua trong nước, dẫn đến khi giá bán tụt giảm gần một nửa, giá nguyên liệu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu gia tăng thì người dân vùng bưởi Tân Triều giảm thu hoạch rất nhiều.
Theo trang thông tin điện tử của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, dịp Tết năm 2023, Bưởi Tân Triều rớt giá một nửa, nông dân tranh thủ bán sớm vẫn ế.
Ngoài việc giá bán bị sa sút, người dân trồng bưởi Tân Triều còn bị thiệt hại do việc bưởi Tân Triều bị giả mạo. Người dân cho rằng thu hoạch bưởi nếu lúc được lúc kém thì phải chấp nhận, nhưng họ bức xúc trước tình trạng bưởi được trồng ở các vùng khác, do một số thương lái gian lận đưa về đây rồi đóng thùng, gắn nhãn mác bưởi Tân Triều, sau đó đưa đi tiêu thụ. Người trồng bưởi rất mong các cơ quan chức năng có trách nhiệm về giám sát chất lượng, quản lý thương hiệu cũng như thị trường hỗ trợ người nông dân để ngăn chặn tình trạng này. Trao đổi về vấn đề này với phóng viên, ông Phạm Lê Nhân - Chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu cho biết, sắp tới, chính quyền địa phương sẽ khuyến khích người dân đi đăng ký tem, nhãn mác, mã vạch và chủ vườn chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về chủng loại, quy trình canh tác và chăm sóc.
Nói khác đi, sau hơn 10 năm bưởi Tân Triều sử dụng “Chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều”, vấn đề của người trồng bưởi vẫn còn đó, vẫn là vấn đề thiếu đầu ra, phụ thuộc vào sức mua trong nước, còn nếu phát triển diện tích đủ để xuất khẩu hàng loạt thì không đảm bảo được chất lượng và thiệt hại kép từ việc thương lái giả mạo bưởi Tân Triều. Và các biện pháp mà đại diện chính quyền địa phương (xã Tân Bình) đưa ra phải chăng là lặp lại những biện pháp mà các doanh nghiệp tư nhân (cụ thể như DNTN Quê Hương Tân Triều) đã làm để quảng bá cho sản phẩm, cũng như để đảm bảo cho chất lượng sản phẩm của họ tung ra thị trường.
2.2.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật
Câu hỏi đặt ra là khi có xung đột quyền lợi giữa 1 cá nhân/tổ chức đã đăng ký nhãn hiệu có thành tố chứa địa danh và đã có nhiều đóng góp cho việc quảng bá cho sản phẩm địa phương có địa danh đó với tập thể những người sản xuất/mua bán sản phẩm có nguyện vọng muốn sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể hay xin bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì giải pháp nào là hợp tình hợp lý, hài hòa quyền lợi giữa đôi bên.
Đề xuất bổ sung quy định bắt buộc tham vấn chính quyền địa phương trong quy trình thẩm định đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu có thành tố chứa địa danh
Theo thông tin nêu tại trang thông tin điện tử https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tu-van-phap-luat/42978/so-luong-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-huyen-xa-o-viet-nam, đến ngày 01/10/2022, Việt Nam đã có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, 705 đơn vị hành chính cấp huyện và 10.599 đơn vị hành chính cấp xã. Do đó, đối với từng đơn yêu cầu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, dễ dàng nhận biết là nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ có trùng lắp với địa danh nào trong số các đơn vị hành chính ở Việt Nam. Trong trường hợp có trùng lắp với bất kỳ địa danh của đơn vị hành chính cấp nào thì cơ quan đăng ký có trách nhiệm tham vấn với ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính đó và ủy ban nhân dân của đơn vị hành chính đó phải có văn bản trả lời về việc yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu có thành tố chứa địa danh đó có gây thiệt hại gì đối với sản phẩm/hàng hóa đặc thù của địa phương hay không, nếu câu trả lời là có, thì cần có luận cứ chứng minh, luận cứ này được Cục SHTT xem là tài liệu tham khảo.
Trong trường hợp Cục SHTT cho rằng chưa có đủ căn cứ để đánh giá về mức độ đặc thù của sản phẩm thuộc địa phương đó, thì có thể yêu cầu người nộp đơn trả thêm chi phí để thực hiện việc khảo sát đánh giá thị trường, khảo sát ý kiến người tiêu dùng về mức độ đặc thù của sản phẩm thuộc địa phương đó. Kết quả khảo sát là căn cứ để Cục SHTT đưa ra kết quả thẩm định nội dung đơn. Trường hợp người nộp đơn từ chối nộp thêm chi phí khảo sát thị trường, thì Cục SHTT được quyền từ chối cấp văn bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không điều chỉnh nhãn hiệu.
Đề xuất bổ sung quy định về quyền ưu tiên của người đã sử dụng nhãn hiệu có thành tố chứa địa danh nâng cao uy tín, vị thế của sản phẩm sản xuất tại địa phương đó.
Không thể phủ nhận rằng mức độ đặc thù của sản phẩm một địa phương chưa thể phủ hết địa bàn cả nước Việt Nam, bởi lẽ địa hình nước ta trải dài trên nhiều vĩ tuyến, khoảng cách các tỉnh, thành phố khá xa nhau, cảm nhận ẩm thực đôi lúc cũng khác nhau. Và nhất là hầu như ở bất kỳ địa phương nào cũng đều có đặc sản địa phương, cộng thêm ưu thế tươi ngon, trái ăn từ cây, thủy sản vừa từ nước vớt lên,... nên đặc sản các địa phương khác khó có tính cạnh tranh và khó đạt được số lượng người yêu thích đáng kể ở địa phương có khoảng cách địa lý xa.
Nói khác đi, đôi khi dân cư một khu vực địa lý, một tỉnh, một vùng,... vẫn tự cho rằng sản phẩm địa phương mình có tính đặc thù, nhưng thật ra độ nổi tiếng chưa vươn xa, ngay cả khi tính trên bình diện là ở trong nước Việt Nam, còn chuyện có tên tuổi ở nước ngoài thì lại càng khó phán xét, bởi vì một vài trường hợp đơn lẻ không thể đánh giá hết được về sản phẩm. Cũng như trên đã nói, việc tiêu thụ sản phẩm ở địa bàn cách xa nơi thu hoạch cũng là một yêu cầu cần một quá trình thử nghiệm rất tốn kém, nhiều khi là cả một sản nghiệp cũng có thể bị đánh đổi.
Do đó, chúng ta vẫn cần có những doanh nghiệp chấp nhận rủi ro, đi đầu trong việc đầu tư quảng bá sản phẩm, điều chỉnh hay đồng bộ tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm để đưa ra tiêu thụ ở thị trường rộng hơn, thị trường khó tính hơn,... Khi các doanh nghiệp kể trên đã có đóng góp nhất định vào việc quảng bá sản phẩm, Nhà nước cần có quy định dành quyền ưu tiên cho những doanh nghiệp này.
Đơn cử như trường hợp DNTN Quê Hương Tân Triều nêu trên, nếu như hiện nay, DN không có diện tích canh tác trồng bưởi mà chỉ chuyên về mua bán sản phẩm thì theo quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều, họ chỉ được quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều nếu như họ có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm từ nhà vườn (điều này cũng có thể gây khó khăn cho họ khi thay đổi kế hoạch kinh doanh mà chậm thông báo cho cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý bưởi Tân Triều). Việc quy định ưu tiên như thế nào cần đưa vào quy chế sử dụng chỉ dẫn địa lý từng nơi, đơn cử như việc có thể sử dụng kinh nghiệm kinh doanh của họ để thiết kế một nhãn hiệu chứng nhận nhằm đảm bảo hơn cho sản phẩm của địa phương, tránh tình trạng giả mạo sản phẩm như trên đây đã phân tích.
Nguyễn Ngọc Bảo Trân (Chuyên viên Văn phòng Luật sư Long Nguyễn; Khoa Luật, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh)
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1. Xem https://vov.vn/kinh-te/huy-nhan-hieu-ca-phe-buon-ma-thuot-cua-trung-quoc-312992.vov.
2. Xem https://baochinhphu.vn/cay-nhan-to-va-thuong-hieu-nhan-chin-muon-dai-thanh-10296007.htm.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội (2022). Văn bản hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ số 11-VBHN-VPQH ngày 29/11/2005. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Van-ban-hop-nhat-11-VBHN-VPQH-2022-Luat-So-huu-tri-tue-556862.aspx
2. Quốc hội (2005). Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005. Truy cập tại: https://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=16748&Keyword=50/2005/QH11
3. Bùi Thị Hằng Nga, Nguyễn Minh Bách Tùng (2020). Bảo hộ CDĐL: Yêu cầu của phát triển nông nghiệp bền vững. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, tháng Truy cập tại: http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210678