Theo đó, ước tính năm 2021, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,01% so với năm 2020, tổng sản lượng đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020 (8,64 triệu tấn), trong đó sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn), nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% với năm 2020 (4,76 triệu tấn).
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020 (8,41 tỷ USD), đạt 104,6% so kế hoạch (8,5 tỷ USD). Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD, bằng 107,6% so với năm 2020 (tổng là 8,89 tỷ USD).
Nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới năm 2021 tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19.
Theo đó, nửa đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản khá thuận lợi nhờ thị trường hồi phục, sản xuất trong nước ổn định. Quý III/2021, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản gần như rơi vào bế tắc vì giãn cách xã hội và quy định sản xuất “3 tại chỗ” để phòng chống dịch Covid-19.
Để khắc phục những khó khăn của ngành thủy sản, từ đầu tháng 10, Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ với quyết sách chống dịch thích ứng, linh hoạt, đã mang đến luồng sinh khí mới. Điều này đã làm cho xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 10 hồi phục gần tương đương cùng kỳ và tháng 11 tăng mạnh 23, tăng với tất cả các sản phẩm chính và sang các thị trường chính. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong tháng 12, đưa kết quả xuất khẩu cả năm cán đích trên 8,8 tỷ USD.
Dự kiến trong năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu cơ bản giữ ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng thủy sản như so với ước thực hiện năm 2021. Tổng sản lượng thủy sản khoảng 8,73 triệu tấn, bằng 100,03% so với ước thực hiện năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,9 tỷ USD, bằng 100,1% so với 2021.
Theo Sở hữu trí tuệ