Nhân chuyến công tác và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tokyo, Nhật Bản, sáng 16/12, các doanh nghiệp Nhật Bản đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao nước ta. Qua đó, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đặt nhiều câu hỏi về chính sách ưu tiên phát triển công nghệ, nhân lực về sản xuất chip, bán dẫn được đại diện cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
CEO SBI Holdings Yoshitaka Kitao cho biết tập đoàn này đang xây dựng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Nhật và tương lai xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài, trong đó Việt Nam và Trung Đông được xem là những điểm đến hấp dẫn.
"Chúng tôi rất muốn hợp tác với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, như FPT, để xây dựng hệ sinh thái công nghệ sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam", ông Yoshitaka, đại diện SBI Holdings chia sẻ.
SBI Holdings là tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về dịch vụ, quản lý tài chính, công nghệ sinh học và công nghệ mới như chip, bán dẫn.
Theo ông, hiện nhiều nhà sản xuất bán dẫn từ Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc) đang tính xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam sẽ thành địa điểm quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đại diện SBI Holdings muốn biết định hướng chính sách phát triển, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư nhà máy bán dẫn tại Việt Nam.
Ông Yoshitaka, Tập đoàn SBI Holdings phát biểu tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, sáng 16/12, tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nhật BắcTại Việt Nam, Tập đoàn Renesas Electronic đã đầu tư một cơ sở về nghiên cứu phát triển với 1.500 lao động người Việt, 60% trong số này là kỹ sư công nghệ phần mềm. Đại diện tập đoàn này cho hay, Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Renesas tới đây về nghiên cứu phát triển, sản xuất chất bán dẫn.
"Việt Nam có tầm nhìn ra sao trong phát triển công nghiệp chất bán dẫn, và Chính phủ mong đợi gì từ các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực này", ông đặt câu hỏi với Thủ tướng.
Cùng mối quan tâm, ông Kazuhiro Doh, đại diện tập đoàn Tokyo Electron - doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong sản xuất thiết bị chất bán dẫn - cho rằng, quy trình sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi chất lượng, độ chính xác cao. "Việt Nam có chính sách gì về phát triển nhân lực để đáp ứng?", ông đặt vấn đề.
Trước sự quan tâm của các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang thực hiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước thông qua phát triển công nghệ mới, lĩnh vực mới như sản xuất chip, công nghệ bán dẫn.
"Chuyển đổi số là tất yếu, thế giới phát triển, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Muốn vậy phải đi tắt đón đầu phát triển công nghệ, trong đó có công nghệ bán dẫn", Thủ tướng nói.
Vì thế, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam mong doanh nghiệp Nhật Bản - với nhiều kinh nghiệm về công nghệ - sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ bán dẫn, trước tiên là hạ tầng công nghệ trong nền tảng chung với hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục
Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản đầu tư và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, cũng như hỗ trợ Việt Nam phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng các nhà máy sản xuất sản phẩm chip...
"Việt Nam là nơi khu trú an toàn trong cơn bão hiện nay của thế giới, nhờ ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, đối ngoại hợp tác phát triển và Nhà nước pháp quyền với con người là trung tâm, động lực phát triển chính", Thủ tướng nói.
TH