Trường đại học: Cái nôi của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Admin
Trường đại học, viện nghiên cứu chính là cái nôi của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Do đó, cần xây dựng hệ sinh thái rộng hơn và có thêm chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo động

Trong khuôn khổ “Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học Kiên Giang, năm 2022”, nhằm thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế và tài sản trí tuệ, Hội Sáng chế Việt Nam phối hợp cùng Trường Đại học Kiên Giang tổ chức hội thảo về "Xây dựng Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Kiên Giang lần thứ III - năm 2022" và Lễ Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa 2 bên. Chương trình được tổ chức tại Trường Đại học Kiên Giang.

b5a34ee587bb41e518aa (1)

 TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang.

 

Phát biểu tại hội thảo TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang cho biết để tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường học, thời gian qua Trường Đại học Kiên Giang đã tổ chức các lớp tập huấn về khởi nghiệp, tạo ra các sân chơi, cuộc thi khởi nghiệp nhằm ươm tạo và đồng hành cùng sinh viên phát triển các ý tưởng thành sản phẩm hoàn chỉnh. Đồng thời, kết nối với các sở ban ngành, doanh nghiệp để mở ra một hệ sinh thái rộng hơn, trên tinh thần hợp tác để các bên cùng nhau phát triển.

Trường đại học, viện nghiên cứu là cái nôi của hệ sinh thái khởi nghiệp

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam chia sẻ về phương thức hình thành và khai thác tài sản trí tuệ trong các cơ sở giáo dục nhằm phục vụ đổi mới sáng tạo.

Theo ông tài sản phí tuệ trong các cơ sở giáo dục là tất cả các kết quả, sản phẩm sáng tạo từ trí tuệ con người, bao gồm tài sản hữu hình và vô hình trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội như: Tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ý tưởng; chương trình biểu diễn, bản ghi âm; sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại; bí quyết kinh doanh, giống cây trồng mới... Tất cả các tài sản trí tuệ đó thuộc quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân (sinh viên, giảng viên, nhà trường,...).

73c0444b8d154b4b1204

Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam nhận định trường đại học, viện nghiên cứu chính là cái nôi của hệ sinh thái khởi nghiệp.

“Để bảo hộ tài sản, các cơ sở giáo dục cần xác lập quyền đối với các tài sản trí tuệ. Theo đó, cần xác định rõ nhu cầu, đánh giá tiềm năng thương mại và đánh giá được khả năng bảo hộ của tài sản đó. Điều quan trọng, các cơ sở giáo dục cần chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền”, ông Bình nói.

Bên cạnh việc hình thành các tài sản trí tuệ, việc khai thác hiệu quả các tài sản đó cần được thực hiện song hành. Trong đó, thương mại hóa tài sản trí tuệ là hoạt động, quá trình khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ để đổi lại các lợi ích kinh tế, phục vụ mục đích cụ thể do chủ sở hữu tài sản trí tuệ đặt ra.

Tài sản trí tuệ có thể được thương mại hóa theo các hình thức như: Tự khai thác, chuyển nhượng/chuyển giao, hợp tác khai thác.

Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam nhận định trường đại học, viện nghiên cứu chính là cái nôi của hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong khi đó, sở hữu trí tuệ là công cụ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai thông qua chu trình sáng tạo trí tuệ.

Các trường đại học, viện nghiên cứu cần xây dựng chính sách về tài sản trí tuệ; sử dụng hiệu quả thông tin sở hữu trí tuệ; cần nhận diện và lựa chọn hình thức bảo hộ phù hợp; nhận biết các lĩnh vực có thể xảy ra xâm phạm quyền.

Đặc biệt, cần có chiến lược khai thác quyền sở hữu trí tuệ, lựa chọn hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu; sử dụng hiệu quả các điều ước quốc tế; trang bị các kiến thức cơ bản và liên tục cập nhật kiến thức mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

7e7b5b98b4c672982bd7

 Lễ Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Trường ĐH Kiên Giang và V.I.A.

Gian nan trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm khởi nghiệp

Ông Lê Nhật Quang - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp KGC cho biết vấn đề khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp trong học sinh sinh viên (HSSV) luôn được các cấp, ngành, trường đại học, cao đẳng và xã hội quan tâm. Trong đó, Trường Cao đẳng Kiên Giang nhiều năm qua đã chủ động tổ chức nhiều hội thảo, lớp tập huấn, phát hiện và châm bồi cho nhiều dự án/ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để hiện thức hóa dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong HSSV luôn gặp nhiều khó khăn và thách thức.

“Những năm qua, thông qua các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp do các trường, tỉnh Kiên Giang phát động và tổ chức, đã phát hiện nhiều ý tưởng đầy tiềm năng. Các cố vấn, nhà trường, các sở ban ngành đã hỗ trợ chuyên môn và hướng dẫn các sinh viên để phát triển ý tưởng thành sản phẩm. Thậm chí, có nhiều ý tưởng được các nhà đầu tư hứa hẹn đầu tư, tuy nhiên các ý tưởng chưa thể đi vào thực tiễn”, ông Quang cho biết.

abbf85194c478a19d356

Ông Lê Nhật Quang chia sẻ khó khăn khi thực hiện hóa ý tưởng khởi nghiệp.

Để hiện thực hóa dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong HSSV thành doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân xuất phát từ chính bản thân HSSV như tâm lý ngại đổi mới, ngại khám phá, không dám thử thách bản thân. Khởi nghiệp còn quá mới mẻ trong HSSV, trong khi đó thời gian học tập trên trường quá ngắn, sinh viên không hiểu được tường tận về xu hướng khởi nghiệp. Đặc biệt, HSSV còn thiếu hụt về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp.

Ngoài ra, còn có những yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến hành trình khởi nghiệp như nguồn vốn, nguồn tài trợ, các cơ sở ươm tạo.

“Một thách thức khác không kém phần quan trọng là vấn đề pháp lý. Một doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nếu không có nền tảng pháp lý vững chắc”, ông Quang cho biết thêm.

Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Xuân Niệm cho biết việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong 2 năm gần đây (năm 2021 và 2022).

Các công tác triển khai phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và có sự hỗ trợ trao đổi thông tin qua lại giữa các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn như kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân triển khai ý tưởng thành sản phẩm cụ thể. Chưa kết nối để nâng tầm các dự án, đặc biệt các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa ít quan tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Qua đó, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đưa ra nhiều giải pháp nhằm giúp hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển hơn trong thời gian tới. Cụ thể: Thông tin, tuyên truyền về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức trao đổi kinh nghiệm, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, nhân dân, HSSV…; hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích và động viên các cá nhân, tổ chức có ý tưởng khởi nghiệp mới.

Theo Sở hữu trí tuệ