Tọa đàm góp ý dự thảo đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” vừa được tổ chức đã đưa ra bàn luận những vấn đề gắn với Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Các thủ tục hành chính rườm rà được tháo gỡ
Theo dự thảo đề án, mục tiêu đến cuối năm 2025, TP.HCM có 2 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế; đến năm 2030 có 5 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế. Trong đó, đối tượng của đề án là các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực khoa học và công nghệ trên địa bàn TP.HCM.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM – cho biết ý tưởng xây dựng đề án giống như một sandbox, từ đó thử nghiệm một số chính sách. Ngoài giúp các tổ chức khoa học công nghệ công lập trở thành trung tâm chuẩn quốc tế, đề án cũng tập trung tháo dỡ thủ tục hành chính rườm rà để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương - quyền Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, để một trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế phải có nhóm nghiên cứu mạnh trước, từ đó hình thành nên trung tâm xuất sắc rồi đến trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.
Lĩnh vực mà TP.HCM cần ưu tiên phát triển gồm có điện tử và công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế tạo vật liệu tiên tiến, bên cạnh đó là lĩnh vực nghiên cứu xây dựng chính sách.
Theo bà Sương, điều kiện để tổ chức có thể tham gia được cần có chương trình, dự án khoa học và công nghệ trong giai đoạn 5 năm; có năng lực, nguồn lực để đảm bảo tổ chức thực hiện chương trình, dự án khoa học và công nghệ; có kế hoạch hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.
Trong 5 năm, tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải công bố trung bình mỗi năm ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS), Scopus, ISI; có sự gia tăng chất lượng các bài báo thông qua việc được đăng trên tạp chí quốc tế có chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn cao. Đăng ký hoặc được cấp ít nhất 5 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích; hoặc 10 bằng bảo hộ giống cây trồng; hoặc 5 bằng độc quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn. Có ít nhất 10 hoạt động chuyển giao công nghệ (tư vấn, tập huấn, đào tạo, chuyển giao, …); hoặc 10 hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,...
Để thông thoáng hơn, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất các chương trình khi duyệt sẽ không đi sâu quá chi tiết về mục tiêu từng sản phẩm cụ thể mà chỉ cần khái quát công việc chính cần làm, dự kiến sản phẩm, dự toán,… Hội đồng sẽ đánh giá thuyết minh để xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai giai đoạn 5 năm.
Theo đó, tổ chức chủ trì có trách nhiệm báo cáo tiến độ định kỳ 3 tháng/lần. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các tổ chức làm không đúng kế hoạch đưa ra sẽ xem xét, quyết định chấm dứt thực hiện đề án trong bất kỳ giai đoạn nào. Khi kết thúc năm tài chính, tổ chức chủ trì sẽ tiến hành thuê đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập.
Khó được cấp 5 bằng sáng chế trong vòng 5 năm
Phát biểu góp ý dự thảo đề án, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) – cho biết các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu cần phải có kết nối liên ngành. Thực tế, các nhà khoa học có sự kết nối chưa mạnh nên sản phẩm làm ra chưa ứng dụng được.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên cho những nhiệm vụ có chuyên gia nước ngoài hay doanh nghiệp tham gia để thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa, chuyển giao công nghệ.
Theo GS Mai, nếu 10 bài báo chỉ thuộc chương trình này thì thực sự khó đạt được, chủ yếu ở nhóm nghiên cứu tại trường đại học đạt được. Với 5 bằng độc quyền sáng chế phải đạt trong 5 năm thì lại khó trong điều kiện hiện nay.
“5 năm mà có 5 bằng độc quyền sáng chế thì theo quy trình cấp bằng hiện nay thì không thể nào làm được”, GS Mai nói.
Còn theo GS.TS Nguyễn Kim Lợi - giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, thực tế hiện nay các trường đại học khó có các trung tâm nghiên cứu liên ngành. Bên cạnh đó, về tiêu chí 10 bài báo công bố có nhất thiết nằm trong chương trình hay không, đăng ký 5 bằng độc quyền sáng chế - đây cũng là rào cản khá lớn ở trường đại học.
PGS.TS. Phan Bách Thắng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử (ĐHQG TP.HCM), để nghiên cứu ra một sản phẩm có thể chuyển giao được phải tiến hành nhiều nghiên cứu cơ bản, ở nước ngoài không có khái niệm giải pháp hữu ích. Thực tế giải pháp hữu ích của chúng ta cải biên để đáp ứng chất lượng thấp hơn. Mỗi trung tâm có tính đặc thù khác nhau, nếu trung tâm có thế mạnh về chuyển giao công nghệ thì nên nâng cao tỉ lệ về sáng chế.
Theo PGS.TS Thắng, về thời gian, cuối năm 2025 có 2 đơn vị tiệm cận, năm 2030 có 5 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế chưa thể hiện tính dài hơi nên có thể phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 để thấy được đặc trưng về khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm.
PGS.TS Thắng đưa ra đề xuất nên có 3 giai đoạn trong đề án: Giai đoạn phân tầng, đánh giá cơ bản để tìm startup, đơn vị có năng lực cơ bản để đi đến phát triển bền vững sản phẩm thực tế cho xã hội. Điều này đòi hỏi các đơn vị đó phải có công bố, hồ sơ sáng chế từ đó thấy được nguồn đầu tư. Giai đoạn hai là đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời mỗi sản phẩm phải tăng chất lượng. Giai đoạn cuối là sản phẩm phải ổn định, chiếm lĩnh thị trường, từ đó đem đến nguồn thu cao.