Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bến Tre, toàn tỉnh đã có hơn 133 vùng trồng dừa được cấp mã số và 14 doanh nghiệp được cấp mã số đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc. Tổng diện tích trồng dừa của tỉnh Bến Tre hiện đạt khoảng 80.000 ha, với sản lượng gần 700.000 tấn mỗi năm. Trong đó, 80% diện tích là dừa khô, loại uống nước chiếm hơn 20%, khoảng 16.000 ha, với sản lượng bình quân khoảng 400 triệu trái một năm. Cây này cũng là nguồn sinh kế của hơn 170.000 hộ dân, chiếm 70% dân số địa phương này.
Ông Nguyễn Văn Bình (62 tuổi, ngụ Giồng Trôm) chia sẻ: "Vụ này tôi thu 600 trái, bán được 187.000 đồng/chục, cao nhất từ trước đến nay". Không chỉ ông Bình, nhiều hộ khác cũng hưởng lợi khi thương lái săn lùng thu mua dừa khô với giá lên đến 190.000 đồng/chục.
Giá dừa leo thang phần lớn do Trung Quốc đẩy mạnh thu mua. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, CEO Vina T&T, từ khi Trung Quốc ký nghị định thư cho xuất khẩu dừa, nhu cầu của thị trường này tăng mạnh. Mỗi tháng, doanh nghiệp của ông xuất khẩu khoảng 30 container mặt hàng này sang Trung Quốc.

Ông cũng nói thêm, các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đang tích cực thu mua mặt hàng này của Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Đặc biệt, khi Mỹ và Trung Quốc mở cửa cho sản phẩm này, nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia khác cũng quan tâm.
Hiện, sản phẩm dừa xiêm Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý. Với những bước đi này, hàng Việt đang tạo đà phát triển mạnh mẽ trong năm nay, không chỉ đạt giá trị kinh tế cao mà còn đưa thương hiệu dừa Việt vươn xa trên trường quốc tế.
TH