Triển vọng đầu tư lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản, đất hiếm tại Lào

Hương Mi
Kể từ đầu thập niên 2000, khai khoáng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Lào. Kể từ đó, đầu tư nước ngoài đã giúp phát triển nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Lào.

Khoáng sản là ngành giàu tiềm năng ở Lào

Lào được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, được đánh giá là quốc gia sở hữu trữ lượng khoáng sản dồi dào chưa được khai thác, với hơn 570 địa điểm ghi nhận mỏ quặng trên khắp đất nước. Đây là một trong các lĩnh vực triển vọng đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam

Chính phủ Lào cũng có chiến lược và chính sách rõ ràng nhằm thúc đẩy khai thác mỏ ở Lào nhằm kích thích phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Theo thống kê, ngành khai khoáng chiếm 12% nguồn thu của Chính phủ và 10% thu nhập quốc dân với 80% là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xuất khẩu khoáng sản cũng đóng góp 45% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, mỏ vàng đồng Sepon ở miền Trung và Phoukham ở bắc Trung Lào đã đóng góp tới 90% tổng sản lượng khai thác cả nước. Ngoài ra, Bauxite và Alumina được khai thác từ cao nguyên Bolaven cùng với các công ty từ Australia, Trung Quốc, Việt Nam.

Ngoài ra, nguồn khoáng sản của Lào cũng rất đa dạng, sở hữu trữ lượng đáng kể các mặt hàng mà thị trường thế giới có nhu cầu cao trong vài năm qua. Đơn cử, Lào được xác định là một trong các nước có nguồn kali – một mặt hàng quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp, nhưng việc thiếu chuyên môn kỹ thuật của cả chính phủ và các chủ sở hữu tô nhượng hiện tại đang để ngỏ nhu cầu về quan hệ đối tác kinh doanh và nâng cao công nghệ cho các nhà đầu tư có chuyên môn và năng lực.

Lào cũng được ghi nhận là có tiềm năng đáng kể về đất hiếm, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc, như Xieng Khuang và Huaphan. Tổng nguồn tài nguyên đất hiếm của hai tỉnh ước tính lên tới 600.000 tấn. Đất hiếm nằm trong nhóm các khoáng sản chịu phí bản quyền khai thác thấp (6-7% giá trị hoàn vốn của nhà máy chế biến). Với việc mở cửa chính sách đất hiếm của Lào và chiến lược đất hiếm của thị trường số 1 thế giới là Trung Quốc, việc đầu tư vào khai thác tài nguyên đất hiếm của Lào và thiết lập cơ sở chiến lược ở nước ngoài về tài nguyên đất hiếm ổn định là một trong các ưu tiên của doanh nghiệp Trung Quốc. Đến nay chính phủ nước này đã ký hợp đồng thăm dò đất hiếm với 18 công ty tại 18 dự án.

Chính sách ưu tiên ngành khai khoáng

Chính phủ Lào xác định ngành công nghiệp khai khoáng,là ưu tiên phát triển và đã đưa ra các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài. Những biện pháp này bao gồm các ưu đãi về thuế, thủ tục đơn giản hóa để xin giấy phép khai thác. Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ Lào mở rộng lại ngành khai khoáng như là một phần thúc đẩy phát triển cũng như giúp phục hồi nền kinh tế đang suy yếu thông qua kêu gọi và khuyến khích đầu tư vào các dự án khai khoáng chất lượng cao. Nếu đáp ứng được các tiêu chí về năng lực và kỹ thuật cũng như tuân thủ nghĩa vụ ngân sách, doanh nghiệp nước ngoài sẽ có thể tiếp cận những nguồn khoáng sản dồi dào và đầy hứa hẹn tại Lào.

Thách thức

Mặc dù có nhiều triển vọng, hoạt động đầu tư khai khoáng ở Lào có một số thách thức đáng chú ý, cần cân nhắc kỹ trước khi xác lập các dự án thực sự hiệu quả. Trước hết, mặc dù các lệnh đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là kim loại, đã được nới lỏng, nhưng một số thủ tục giấy tờ quan liêu vẫn là những thách thức chính đối với việc cấp phép và hoạt động khai thác ở Lào. Ngoài ra, một thực trạng mà Chính phủ Lào đang muốn thay đổi trong ngành khai khoáng là giảm thiểu tình trạng xuất khẩu quặng thô thông qua việc khuyến khích tăng cường năng lực chế biến gia tăng giá trị. Sau giai đoạn hạn chế cấp phép và thăm dò mới từ 2011, giờ đây Chính phủ Lào đang tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đủ năng lực phát triển hoạt động khai khoáng để đem lại nguồn thu cho quốc gia.

Với bản chất chính là ngành thâm dụng vốn, trong khi trình độ khoa học kỹ thuật, lao động, cơ sở hạ tầng của Lào còn thấp. Bên cạnh đó, nền kinh tế của Lào đang rất yếu (Lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá, áp lực nợ công cao), theo chỉ thị của Chính phủ ngày 7/3/2023 tạm dừng cấp phép các mỏ khoáng sản kim loại để rà soát, kiểm tra, tại thời điểm này thì đồng tiền Kíp mất giá so với tiền đồng (VND) khoảng 49,1%. Đến ngày 2/10/2023 Thủ tướng SoneXay chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh việc soạn thảo chiến lược đất hiếm và các mỏ khoáng sản khác. Lúc này, đồng tiền Kíp đã mất giá khoảng 60,4% so với tiền đồng (VND) và lạm phát tăng cao, vì vậy việc đầu tư khai khoáng ở Lào cần được cân nhắc kỹ, trong đó doanh nghiệp cần có chỗ dựa tài chính vững vàng để đảm bảo tính hiệu quả. Bên cạnh đó, các quy định khai thác ở cấp địa phương và điều kiện tô nhượng vẫn chưa rõ ràng và được thực thi không nhất quán, đòi hỏi một đơn vị tư vấn am hiểu địa bàn và thị trường, và đặc biệt là phải có uy tín.

Lĩnh vực khai khoáng cũng là ngành có nhu cầu cao về lao động, tuy nhiên Lào đang gặp thách thức to lớn từ sự suy yếu của đồng tiền nội địa khiến lao động không mặn mà với việc làm trong nước. Từ đầu năm 2022 đến nay lực lượng lao động tại Lào có hiện tượng: Số lượng người lao động nước ngoài tại Lào (chủ yếu là người Việt Nam) bỏ về nước hoặc đi sang nước khác (lý do là tỷ lệ chênh lệnh của đồng tiền Kíp và VND không còn). Số lượng thanh niên Lào sang Thái Lan lao động gia tăng đột biến/cao nhất từ trước tới nay (khoảng 0,94 triệu người).

Một thách thức khác đến từ ảnh hưởng của các doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường, từ năm 2014 Trung Quốc đã vượt qua Thái Lan, Việt Nam trở thành nước đầu tư lớn nhất vào Lào chủ yếu ở lĩnh vực khai khoáng, nông nghiệp và du lịch. Hàng năm lượng tiền của Trung Quốc đầu tư vào Lào đều tăng đã bỏ xa Thái Lan và Việt Nam. Với chiến lược rõ ràng, cụ thể, từng bước ( ví dụ: 20/4/2023 Lào-Trung Quốc lên kế hoạch mở rộng hợp tác kinh tế, 17/8/2023 Lào-Trung Quốc tăng cường thắt chặt quan hệ hợp tác, 4/10/2023 Tỉnh OudomXay và công ty Trung Quốc đã ký văn bản ghi nhớ phát triển công nghiệp du lịch gắn với thiên nhiên quy mô hơn 300ha…) Trung Quốc đã khẳng định vị trí, vai trò của mình với nền kinh tế của Lào đồng thời Trung Quốc cũng có lợi ích rất lớn về mặt kinh tế (25/9/2023 đã có hơn 2,1 tỷ đô đã đầu tư vào đặc khu kinh tế Boten, 06/10/2023 đường sắt Trung Quốc – Lào đã vận chuyển hơn 26 triệu tấn hàng hóa).

Bối cảnh thị trường, thời cơ cho doanh nghiệp Việt Nam

Lào là quốc gia trong nhóm kém phát triển cho ít nhất đến năm 2026, nước này được hưởng đặc quyền tiếp cận ưu đãi thuế với nhiều thị trường. Trong khi thị trường trong nước còn rất nhỏ thì Lào lại nằm trong khu vực có tốc độ tăng trưởng cao, có vị trí địa lý tiếp giáp với nhiều thị trường có sức hấp thụ lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Hơn hết, việc xây dựng mạng lưới đường sắt và đường bộ mới có tiềm năng tạo ra cơ hội tiếp cận đến các thị trường rộng lớn (Đường sắt Lào-Trung; Hành lang kinh tế Đông Tây nối một số tỉnh của Lào với các cảng ở Thái Lan, Myanmar và Việt Nam).

Đây là thời cơ tốt để các tập đoàn, công ty, tổ chức Việt Nam đầu tư vào Lào (Trước đây, Việt Nam và Lào đã có những cách thức hợp tác sâu sắc và toàn diện: ví dụ những năm 1980 hai nước đưa ra phương thức hợp tác để cùng phát triển kinh tế là Tài nguyên của Lào, lao động và kỹ thuật của Việt Nam, Vốn hai nước cùng đi vay nước thứ ba. Nhưng do yếu tố lịch sử và nhiều nguyên nhân khác, dẫn đến hợp tác đó không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng của hai nước). Tuy nhiên, với các lợi thế về quan hệ tốt đẹp, nền chính trị ổn định, sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, phong phú, đường biên giới Việt Nam – Lào dài hơn 2340km có 9 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và rất nhiều của khẩu tiểu ngạch, nếu tận dụng được các điều kiện thuận lợi và sở hữu nguồn lực tốt, việc đầu tư vào ngành khai khoáng của Lào là một trong các lựa chọn mà doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc để góp phần thúc đẩy kinh tế của cả hai bên.

Theo TapchiLaoViet.vn