Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã phối hợp với Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh tổ chức hội thảo chuyên đề trực tuyến “Cập nhật thông tin về UKCA - Yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh kể từ ngày 1/1/2023,” nhằm cung cấp các hướng dẫn về nhãn hiệu UKCA cho các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Vương quốc Anh.
Nhãn hiệu UKCA (Nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn của Vương quốc Anh), được Anh xây dựng lại nhằm thay thế cho nhãn hiệu CE của Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời EU vào năm 2020, yêu cầu các hàng hóa công nghiệp xuất khẩu vào thị trường Vương quốc Anh (bao gồm xứ England, Wales và Scotland) phải chuyển sang đáp ứng theo nhãn hiệu mới này.
Mặc dù nhãn hiệu UKCA đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhưng để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh theo các yêu cầu mới, phía Anh vẫn chấp nhận sử dụng nhãn hiệu CE trong thời gian chuyển đổi. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2023, Anh bắt đầu áp dụng bắt buộc nhãn hiệu UKCA cho hầu hết các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu vào Anh.
Phát biểu tại sự kiện, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho hay: Những năm gần đây thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ. Nửa đầu năm 2022, mặc dù gặp phải những biến động chính trị toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam – Anh vẫn đạt gần 3,3 tỷ USD, chỉ giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu từ Anh đạt 372,5 triệu USD, giảm 9,9%.
Anh là đối tác thương mại lớn hàng đầu và là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nơi có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa công nghiệp chiếm tỷ trọng cao.
Theo Tổng Cục Thống Kê Anh, Việt Nam đứng thứ 23 trong số các nước xuất khẩu nhiều nhất đến Anh trong 2 năm vừa qua. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp (không kể sắt thép, kim loại) của Việt Nam sang Anh trong năm 2021 đạt 2,54 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng giá trị xuất khẩu. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch cao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện (24%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (10,8%); Sắt thép (8,7%), Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (5,6%).
Số liệu thống kê một lần nữa cho thấy việc xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam đóng vai trò to lớn, quan trọng trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh.
“Nhãn UKCA là yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp lưu thông và sử dụng tại Anh kể từ ngày 1/1/2023. Do đó, việc hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam về UKCA đối với các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu sang Anh là thiết thực, cần triển khai ngay”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Anh, trong 2 năm gần đây, Vương Quốc Anh trong tình trạng thiếu ổn định và khan hiếm nguồn cung do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid, Brexit và cấm vận trừng phạt kinh tế với Nga. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội khan hiếm nguồn cung ứng ở Anh để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, thực phẩm, đồ gỗ, dệt may,…
Đặc biệt, khi hiệp định thương mại song phương UKVFTA đã có hiệu lực đầy đủ khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi từ miễn trừ thuế quan. Trong đó, có thể kể đến ngành nông thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh giảm từ 10 - 20% xuống 0% và ngành gỗ khi nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận để tham gia chuỗi cung ứng tại thị trường này.Ngoài ra, xu hướng chuyển đổi năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và chuyển đổi số cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư và thương mại trong thời gian tới.
Dù vậy, hiện nay, hoạt động thương mại thế giới nhìn chung bị ảnh hưởng khi giá nhiên liệu tăng đẩy cước vận tải đường biển và hàng không tăng. Bên cạnh đó, việc lạm phát tăng cao cũng khiến doanh nghiệp và người dân Anh hạn chế chi tiêu so với năm 2021. Đây cũng là mối lo ngại đối với việc tăng cường xuất khẩu bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam. Kỳ vọng tốc độ tăng trưởng thương mại năm 2022 sẽ hạn chế hơn so với năm ngoái.
Ngoài ra, tuy thị trường Anh khan hiếm nguồn cung nhưng yêu cầu chất lượng cao, giá thành sản phẩm thấp, tạo nên rào cản cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, dù UKVFTA đã chính thức có hiệu lực đầy đủ, các cam kết trong hiệp định về giảm thuế quan, mở cửa thị trường, hàng hoá, dịch vụ được mong đợi sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại song phương nhưng cũng không thể quá lạc quan kỳ vọng trong thời điểm bất ổn kinh tế chính trị của nước Anh hiện nay.
Xu hướng thị trường Anh hiện nay ưa thích các sản phẩm, dịch vụ chú trọng đến yếu tố thân thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu, giàu giá trị nhân văn, vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư các giá trị chiều sâu cho các sản phẩm của mình để giúp hàng hóa tiêu thụ tốt hơn tại thị trường này.
Theo Sở hữu trí tuệ